IAEA nhấn mạnh vào năm 2050, dân số thế giới sẽ lên tới 9 tỷ
người, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 70% so với hiện nay.
Đây là thách thức gay gắt do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tồi
tệ, khiến sản xuất nông nghiệp ngày càng khó dự báo.
Kỹ thuật hạt nhân có thể giúp các nước
phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua phát
triển các giống cây có thể thích nghi và chống đỡ hiệu quả các tác động
của biến đổi khí hậu, vừa tăng năng suất nông nghiệp và chăn nuôi, vừa
bảo tồn được nguồn đất đai.
Kỹ thuật hạt nhân và chất đồng vị cũng
giúp giảm sự rửa trôi và xói mòn của đất, giữ lại cho đất nhiều nước và
nguồn dinh dưỡng, hấp thu nhiều CO2 hơn và nhờ đó, giảm được
lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất nông nghiệp.
Sử dụng kỹ thuật hạt nhân để xác định
khi nào cây cần nước và cần lượng nước bao nhiêu sẽ giúp tiết kiệm nước
và dinh dưỡng, làm tăng sức chống đỡ của cây trồng đối với hạn hán.
Các nhà khoa học IAEA đã phát triển
nhiều giống cây trồng có khả năng chống sâu bệnh và biến đổi thất thường
của thời tiết thông qua sử dụng một liều lượng nhỏ phóng xạ.
Các giống cây này như lúa mì chống hạn
hán đang được trồng năng suất cao ở Kenya, lúa mạch chịu được nhiệt độ
cao đang được trồng ở độ cao 5.000m so với mực nước biển ở Peru, giúp
nhiều nước giảm phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.
Các nhà khoa học IAEA cũng giúp nhiều
nước chống lại một cách hiệu quả sự phát triển bùng nổ các loài côn
trùng gây hại do tác động của biến đổi khí hậu thông qua kỹ thuật hạt
nhân gây vô sinh các loài côn trùng này.
Thông qua các dữ kiện thu thập được nhờ
kỹ thuật hạt nhân, các nhà khoa học có thể dự báo các loại bệnh mới phát
sinh do biến đổi khí hậu và nguy cơ lan truyền của các bệnh này, đặc
biệt nguy cơ lây nhiễm sang người.
Kỹ thuật hạt nhân giúp phát hiện hàm
lượng hoá chất độc hại được sử dụng trong quá trình gieo trồng còn tồn
đọng trong lương thực, thực phẩm, đồng thời giúp loại trừ chúng để bảo
vệ sức khoẻ con người.