Từ năm 2011 - 2013, tỉnh đã triển khai thực hiện 11 mô hình quản lí sâu rầy bằng thuốc sinh học kết hợp với công nghệ sinh thái ở các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Lấp Vò với tổng diện tích trên 289ha, có 235 hộ dân tham gia. Thực tế cho thấy, những ruộng lúa có trồng hoa dọc theo bờ thì mỗi lần phun thuốc trừ sâu giảm hẳn so với các ruộng ngoài mô hình, một số mô hình có kết hợp chuyển giao quy trình nhân nuôi nấm xanh Metarhizium anisopiae để trừ rầy nâu, sâu cuốn lá đã hạn chế được việc dùng thuốc hóa học. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế thì chi phí sản xuất trong mô hình giảm rõ rệt so với các ruộng lúa bên ngoài mô hình, do giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên lợi nhuận tăng thêm trung bình khoảng 4,6 triệu đồng/ha. Kết quả khảo sát cho thấy, mật số các loài thiên địch chính của rầy nâu như: nhện lớn bắt mồi, bọ xít mù xanh và ong ký sinh của rầy nâu ở khu mô hình luôn cao hơn so với khu ruộng đối chứng. Điều này làm cho rầy nâu ở các ruộng trong mô hình không có điều kiện bộc phát thành dịch, nên bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đã không còn là mối nguy lớn đối với ruộng lúa của bà con nông dân. Trong những năm qua, Tháp Mười là huyện đi đầu trong công tác triển khai các mô hình “Công nghệ sinh thái trên ruộng lúa”. Từ những thành công của các vụ trước, vụ đông xuân 2013 - 2014, huyện tiếp tục thực hiện mô hình “Công nghệ sinh thái trên ruộng lúa” kết hợp với mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” trên diện tích 20ha ở xã Đốc Binh Kiều. Nhiều nông dân ở đây rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia xây dựng mô hình. Cô Lê Ngọc Bạch ở ấp 4, xã Đốc Binh Kiều phấn khởi chia sẻ: “Trước tình hình giá lúa bấp bênh như hiện nay thì việc ứng dụng mô hình “Công nghệ sinh thái trên ruộng lúa” nhằm tiết kiệm chi phí trong sản xuất là việc làm cần thiết. Tham gia mô hình giúp bà con nông dân chúng tôi thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu, nhờ những buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất nên chúng tôi biết quan tâm đến sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng hơn trong quá trình sản xuất”. Theo Trạm BVTV huyện Tháp Mười, vụ hè thu năm 2014 sắp tới, huyện sẽ mở rộng triển khai thêm mô hình “Công nghệ sinh thái trên ruộng lúa” với diện tích 31ha ở xã Mỹ Đông. Đây là những thành công đáng ghi nhận về công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp của huyện Tháp Mười. Mô hình này mở ra cho chúng ta nhiều hướng đi mới tiềm năng trong tương lai. Nếu như mô hình sinh thái được nhân rộng đại trà không những ngành nông nghiệp hằng năm tiết kiệm được chi phí rất lớn cho thuốc BVTV mà còn giúp cho sản phẩm lúa gạo nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững. Bên cạnh những ưu điểm mà mô hình mang lại thì công tác triển khai và thực hiện mô hình còn gặp nhiều khó khăn ở một số địa phương. Ông Trần Đình Đăng Khoa, Trưởng Trạm BVTV huyện Tháp Mười cho biết: “Trong quá trình thực hiện, địa phương đã gặp nhiều khó khăn đối với việc thay đổi cách thức tập quán canh tác của người nông dân. Tập quán đốt đồng của một số nông dân gây khó khăn cho việc trồng hoa trước khi xuống lúa giống; kết cấu một số bờ bao trong mô hình không thuận lợi cho việc trồng hoa; đây là mô hình đòi hỏi người nông dân phải bỏ công chăm sóc hoa nên nhiều nông dân vẫn còn ngần ngại khi tham gia...” Nhận thấy đây là mô hình rất thiết thực phù hợp với định hướng tiến đến phát triển nền nông nghiệp bền vững. Để mô hình được áp dụng mạnh mẽ, Chi Cục BVTV kiến nghị nên từng bước thực hiện lồng ghép mô hình vào chương trình cánh đồng mẫu lớn và mở rộng triển khai ở các xã nông thôn mới, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức áp dụng khoa học kỹ thuật mới cho người nông dân.
|