Kỳ 4: Bản sao Âu ở trời Á
Sau xung đột biên giới giữa hai nước năm 1969, Liên Xô rút toàn bộ
chuyên gia quân sự và hủy bỏ mọi hợp tác quốc phòng với Trung Quốc. Vì
thế, Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong các dự án chế tạo vũ khí.
Ngay sau đó, kể từ chuyến thăm của Tổng thống Nixon (1972), quan hệ
Trung – Mỹ và Tây Âu trở nên “nồng ấm” với hàng loạt thỏa thuận hợp tác
kinh tế về quân sự được ký kết.
Nhờ vậy, Trung Quốc được phép tiếp cận công nghệ quốc phòng tiên tiến từ
phương Tây. Đặc biệt, Trung Quốc được phép nhập khẩu một số loại phương
tiện kỹ thuật từ phương Tây, trong đó có trực thăng. Với điều kiện
thuận lợi này, Trung Quốc đã chế tạo ra các mẫu trực thăng nội địa của
riêng mình.
Nỗ lực nội địa hóa
Quá trình này bắt đầu từ giai đoạn 1977-1978 với việc Chính phủ
Pháp chấp nhận bán 13 trực thăng vận tải SA321 Super Frelon cho Trung
Quốc. Ít nhất một chiếc trong số đó đã bị “tháo tung” để nghiên cứu. Kết
quả, năm 1985, trực thăng nội địa Z-8 cất cánh lần đầu và 4 năm sau,
chính thức phục vụ Hải quân Trung Quốc.
|
Trực thăng vận tải Z-8.
|
Có thể nói, Z-8 giống hệt SA321 về ngoại hình từ
khung thân tới kiểu cánh quạt, tuy nhiên, không hẳn mọi thứ đều được
“sao chép”. Do các rào cản kỹ thuật, Z-8 thiếu tất cả thiết bị chuyên
dụng cho tác chiến chống ngầm. Thậm chí, Z-8 không có khả năng hạ cánh
trên hạm như SA321. Trung Quốc tìm mọi cách khắc phục bằng cách cải tiến
dần dần với biến thể Z-8JA có thể hạ cánh trên chiến hạm. Theo một
nguồn tin chưa kiểm chứng, biến thể Z-8 mới mang được tên lửa không đối
hạm C-801.
Sau SA321, Trung Quốc tiếp tục sao chép mẫu trực thăng AS365 mà Pháp
chuyển giao sau khi Bắc Kinh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất với Công ty
Aérospatiale (tiền thân của Eurocopter ngày nay). Pháp đã chuyển toàn bộ
linh kiện 48 chiếc AS365 để Trung Quốc tự lắp ráp trong nước với tên
gọi Z-9.
Với nỗ lực nội địa hóa Z-9, năm 1988 Trung Quốc bắt tay chế tạo Z-9 dùng
các bộ phận trong nước tự sản xuất ở mức cao nhất có thể. Tháng 1.1992,
Z-9B ra đời với tỷ lệ nội địa lên tới 71,9%, và có sự khác biệt nhỏ ở
kiểu cánh quạt đuôi Fenestron 11 lá thay vì 13 lá như nguyên mẫu. Đến
nay, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sở hữu khoảng 150 chiếc trực
thăng loại này.
|
Biến thử Z-9 sử dụng cho Lục quân Trung Quốc được trang bị rocket và tên lửa chống tăng.
|
Song song với quá trình nhập khẩu và sao chép các
trực thăng vận tải, Trung Quốc đã tìm cách phát triển công nghệ chế tạo
trực thăng vũ trang qua các hợp đồng mua bán hoặc chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán mua trực thăng AH-1 (Mỹ), Mi-24 (Nga và
Bulgaria), và xin giấy phép sản xuất Mi-28... đều bị tự chối.
Siêu phẩm còn… khiếm khuyết
Trước tình hình này, Trung Quốc quyết định tự lực phát triển
trực thăng vũ trang dựa vào kinh nghiệm chế tạo Z-8 và Z-9. Một mặt
Trung Quốc thu hút sự hỗ trợ kỹ thuật từ các hãng danh tiếng châu Âu và
Bắc Mỹ như Eurocopter, Agusta, Pratt & Whitney cho các dự án sản
xuất trực thăng dân sự.
Mặt khác, các viện nghiên cứu trong nước tích cực thiết kế hệ thống điện
tử quân sự, vũ khí cho mẫu trực thăng mới có được đặt tên Z-10. Nhờ
vậy, Trung Quốc đã nhập khẩu được động cơ của Canada hoặc cùng với
Eurocopter và Augusta ký thỏa thuận phát triển hệ thống cánh quạt 5 lá,
cánh đuôi “chữ X” để giảm tiếng ồn và bộ truyền động. Kết quả là Z-10 ra
đời năm 1998 và cất cánh thành công vào tháng 4.2003.
Về kiểu dáng, Z-10 là sự pha trộn giữa A129 (Italy) và Tiger
(Eurocopter), nhưng phần thân trên hơi hẹp nhằm giảm diện tích phản xạ
radar. Thiết kế buồng lái Z-10 chịu ảnh hưởng của Mỹ với màn hình LCD
hiển thị thông số kỹ thuật.
|
Trực thăng vũ trang Z-10.
|
Tiếp thu quan điểm thiết kế “đa nhiệm” từ Mỹ và
phương Tây, Z-10 được vũ trang cả tên lửa chống tăng HJ-9, HJ-10 và tên
lửa đối không TY-90. Để chống tên lửa tầm nhiệt, Z-10 cũng có hệ thống
đối phó điện tử. Ngoài ra, Z-10 có một thiết bị điện tử tìm kiếm và chỉ
thị mục tiêu ở mũi máy bay và phi công có mũ bay tích hợp thiết bị ngắm
mục tiêu.
Để giải quyết vấn đề động cơ - điểm yếu của công nghiệp hàng không Trung
Quốc, những chiếc Z-10 đầu tiên dùng động cơ Pratt & Whitney PT6
của Canada. Cũng có thông tin cho rằng Z-10 từng thử nghiệm lắp động cơ
tuốc bin trục VK-2500 vốn dùng để trang bị cho Mi-17. Tuy nhiên, đến nay
vẫn chưa rõ những chiếc Z-10 được sản xuất hàng loạt sử dụng động cơ
nào. Theo một số nguồn tin, Ukraine đang giúp Trung Quốc chế tạo động cơ
cho Z-10.
Như vậy, ở mẫu trực thăng mới nhất, Trung Quốc đã bằng mọi cách có thể
để ứng dụng tất cả công nghệ tiên tiến cho Z-10. Tuy nhiên, do kỳ vọng
quá lớn trong khi năng lực còn hạn chế, nhiều yêu cầu thiết kế chưa được
hoàn thành. Trung Quốc có ý định trang bị radar bước sóng cho Z-10,
nhưng chưa thực hiện được. Do vậy, khác với Mi-28 hay Apache
AH-64, "đỉnh cánh quạt" của Z-10 vẫn bị bỏ trống.
Với ưu thế giá rẻ, trực thăng Trung Quốc bước đầu xâm nhập vào thị
trường thế giới. Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 20 chiếc Z-9 tới 6 quốc
gia, chủ yếu ở các nước có ngân sách quốc phòng eo hẹp. Trong tương lai,
nước này có khả năng sản xuất biến thể xuất khẩu Z-10. Với giá cả phải
chăng, Z-10 hoàn toàn có thể trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của
Mi-24 và AH-64.
|