Sau
khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1918 gần đền thờ Dendera ở bờ
tây sông Nile, bức tượng sa thạch cao 10 mét đã được bảo tàng Ai Cập ở
Cairo mua về và đánh số hiệu là JE 46278, nhưng hầu như bị lãng quên cho
đến tận hiện tại.
Bức tượng điêu khắc về hai đứa con sinh đôi của Nữ hoàng
Cleopatra VII và người tình Mark Antony. (Ảnh: Discovery)
Phía sau bức tượng cho thấy hình chạm
khắc một số ngôi sao, dường như ám chỉ rằng bức tượng từng được gắn với
trần nhà nào đó. Xét về tổng thể, phần còn lại của bức tượng trông khá
dị thường.
“Nó cho thấy 2 đứa trẻ trần truồng,
một nam và một nữ, kích thước giống hệt nhau đang đứng bên trong lòng
của 2 con rắn. Tay của đứa trẻ này khoác lên vai của đứa trẻ kia, trong
khi tay còn lại tóm lấy một con rắn”, Giuseppina Capriotti - nhà Ai Cập học thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Italia cho biết trên trang Discovery.
Bà Capriotti lưu ý rằng, đứa bé trai đội
một chiếc đĩa mặt trời trên đầu, trong khi bé gái đội một đĩa mặt trăng
gắn dải hình lưỡi liềm. Cả 2 chiếc đĩa đều được trang trí mắt udjat,
còn được gọi là mắt của Horus - một biểu tượng phổ biến trong nghệ thuật
Ai Cập.
“Đáng tiếc là các khuôn mặt không
được bảo quản tốt, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy bé trai tóc xoăn và có
một bím tóc tết bên phải đầu, đặc trưng của trẻ em Ai Cập. Tóc của bé
gái để theo kiểu quả dưa - kiểu tóc thường gắn với triều đại nhà
Ptolemy, đặc biệt là Nữ hoàng Cleopatra”, bà Capriotti nói thêm.
Sau khi phân tích tỉ mỉ, bà Capriotti
nhận diện hai đứa trẻ trong bức tượng là Alexander Helios và Cleopatra
Selene - cặp song sinh của bà mẹ - Nữ hoàng Cleopatra với người tình
Antony. Cặp song sinh này được cho là chào đời vào khoảng năm 40 trước
Công nguyên.
Chúng không phải là những đứa con đầu
tiên của Nữ hoàng Ai Cập nổi danh trong lịch sử. Cleopatra đã hạ sinh
một đứa con đầu tiên cho Julius Caesar vào năm 47 trước Công nguyên. Đứa
bé này được đặt tên là Caesarion. Đến năm 36 trước Công nguyên, bà sinh
cho người tình Antony một đứa con trai nữa - Ptolemy Philadelphus.
Vào thời điểm chào đời, cặp song sinh
đơn giản được đặt tên là Cleopatra và Alexander. Khi được cha chính thức
thừa nhận 3 năm sau đó (khi Antony trở về Antioch, nay là Thổ Nhĩ Kỳ,
để đoàn tụ cùng Nữ hoàng Cleopatra và các con), hai đứa trẻ được đặt tên
lại là Alexander Helios (Mặt trời) và Cleopatra Selene (Mặt trăng).
Bà Capriotti cho hay: “Việc Antony
thừa nhận con trùng hợp với thời điểm diễn ra một vụ thiên thực. Có lẽ
vì lí do này và nhằm kỳ bí hóa sự ra đời của cặp song sinh, hai đứa trẻ
đã được đặt thêm các tên về mặt trăng, mặt trời. Mặc dù ở Ai Cập, mặt
trăng là một vị thần nam giới nhưng trong bức tượng điêu khắc, giới tính
gắn với các biểu tượng mặt trăng, mặt trời bị đảo ngược lại để phù hợp
với truyền thống Hy Lạp”.
Khuôn mặt của hai đứa trẻ trong bức tượng không
còn lưu giữ được nguyên vẹn. (Ảnh: Discovery)
Người ta biết rất ít về số phận các con
mà Cleopatra và Mark Antony bỏ lại sau khi các cuộc tự sát của họ vào
năm 30 trước Công nguyên. Duy có điều, dù Caesarion bị sát hại theo lệnh
của Octavian nhưng 3 đứa con của Cleopatra và Antony được tha bổng.
Vài năm sau đó, Alexander Helios và
Ptolemy Philadelphus biến mất không để lại dấu vết, chỉ còn lại
Cleopatra Selene. Khi lớn lên, Cleopatra Selene kết hôn với Vua Juba II
của Mauretania và hạ sinh ít nhất một đứa con đặt tên là Ptolemy
Philadelphus nhằm tưởng nhớ tới đứa em trai bé bỏng mất tích.
Hình của Cleopatra Selene từng được khắc
trên các đồng xu cùng với hình của Vua Juba. Điều đó ám chỉ rằng, con
gái của Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra cũng có quyền cai trị đất nước hỗ trợ
chồng của mình.