Đó là nhận định được rút ra từ nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Cambridge.
Bức ảnh mô tả khuôn mặt của người Neanderthal. (Ảnh: Mauro Cutrona)
Nguồn gốc con người hiện đại từ lâu đã
trở thành đề tài khơi mào cho các cuộc tranh luận sôi nổi và dường như
không có điểm dừng trong giới khoa học. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng
nét giống nhau về ADN của 2 nhóm người riêng biệt này là kết quả của
hành vi giao phối. Tuy nhiên, nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí
PNAS lại đề xuất câu trả lời hoàn toàn khác.
Giải thích lý do tại sao người gốc châu
Âu và châu Á chia sẻ từ 1 đến 4% bộ gene với người Neanderthal, các
chuyên gia cho biết: xuất phát điểm của người Neanderthal và người hiện
đại đều từ một tổ tiên chung từng sống khắp châu Phi và châu Âu khoảng
nửa triệu năm trước. Nhưng sau đó, vào thời điểm cách đây 300.000 đến
350.000 năm, khu vực châu Âu và châu Phi dần trở nên tách biệt. Nhóm ở
châu Âu phát triển thành người Neanderthal trong khi nhóm định cư ở châu
Phi trở thành người hiện đại.
Giống như Neanderthal, người hiện đại ở
bắc Phi (gần châu Âu) sẽ giữ lại nhiều đặc điểm ADN di truyền từ tổ tiên
hơn so với những người anh em ở phía nam châu Phi. Khi người hiện đại
mở rộng phạm vi sinh sống sang châu Âu và châu Á khoảng 60.000 đến
70.000 năm trước, họ đã mang theo cả những đặc điểm của tổ tiên mà người
Neanderthal cũng có, gọi chung là ADN người thượng cổ.
Một nghiên cứu được tiến hành năm ngoái
cũng cho thấy ngay cả khi có “chuyện ấy” xảy ra giữa người Neanderthal
và người hiện đại thì chuyện mang thai rồi sinh con cũng rất khó thực
hiện. Sử dụng mô hình máy tính dựa trên mức độ khác nhau của quá trình
giao phối, các tác giả phát hiện ra tỷ lệ thành công sẽ ít hơn 2% trong
mọi trường hợp.