Đây là những nghiên cứu quan trọng mang tính cập nhật, đánh giá tiềm năng và đề xuất giải pháp bảo tồn nguồn gene tại chỗ đối với các loài quý hiếm hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vườn quốc gia Bạch Mã đã chuyển giao 7 đề tài khoa học về bảo tồn và phát triển nguồn gene. Năm 2011, Vườn quốc gia đã hoàn thành chương trình nghiên cứu, kiểm kê hệ nấm và thực vật với 2.373 loài, gấp hơn 5 lần so với trước đây và chiếm gần 17% tổng số loài thực vật trong cả nước. Về động vật, đã ghi nhận, cập nhật được 1715 loài, gấp 10 lần so với trước đây và chiếm 7% tổng số loài động vật trong cả nước. Trong quá trình điều tra, nghiên cứu cũng đã phát hiện ra nhiều loài mới có giá trị kinh tế như lá nón, mây, ong...; tìm phương pháp nhân giống của các cây quý hiếm như tùng, hồi hoa nhỏ, cây re ương; nghiên cứu sự phân bố các loài thú linh trưởng và đề ra các giải pháp bảo tồn; nghiên cứu bảo tồn cây thuốc trong khuôn khổ dự án "bảo tồn cây thuốc cổ truyền" của Viện Dược liệu, thống kê được 810 loài cây thuốc... Với trên 205.000 ha rừng tự nhiên, chiếm gần 70% tổng diện tích đất lâm nghiệp, rừng ở Thừa Thiên-Huế có tính đa dạng sinh học cao và còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động thực vật quý như hổ, sao la, lim, gụ... Thừa Thiên-Huế đã thành lập Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền và mới đây là Khu bảo tồn sao la để bảo tồn hiệu quả nguồn gene. Tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền có chương trình nghiên cứu “hợp tác với cộng đồng địa phương xây dựng các mô hình quản lý" và "xây dựng mô hình làng sinh thái lâm nghiệp tại vùng đệm". Chương trình nghiên cứu đã giúp đồng bào dân tộc Pahy tại hai bản Hạ Long và Khe Trăn, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền vừa khai thác vừa bảo tồn đa dạng sinh học 520 ha rừng vùng đệm... Trong nghiên cứu phát triển rừng, đã trồng rừng vùng đệm 1.454 ha để phủ xanh đất trống đồi núi trọc 10 xã vùng đệm thuộc hai huyện Phú Lộc, Nam Đông. Trồng mới 896 ha rừng đặc dụng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 3.025 ha khu vực vùng đệm giữa Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn sao la... Các công trình nghiên cứu chuyển giao đã giúp các ngành chức năng nắm được tình hình đa dạng sinh học, đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát triển hiệu quả nguồn gen quý. Qua nghiên cứu cũng góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen trong khu vực miền Trung. Đồng thời, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư sống ở vùng đệm, góp phần xóa đói giảm nghèo. |