Đây là một trong những nội dung quan trọng thuộc Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ cho giai đoạn đến năm 2015” trong hội nghị tổng kết 7 năm của Bộ Khoa học và công nghệ diễn ra hôm nay. “Việc chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ đã làm tăng trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tạo điều kiện gắn kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh, đào tạo nhân lực góp phần tăng cường tiềm lực khoa học của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh. Ông dẫn chứng, sau khi thành lập các tổ chức khoa học công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ, Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã phát triển mạnh, doanh thu tăng liên tục ở mức trên 250%, đời sống cán bộ viên chức được nâng cao. Tuy nhiên, theo ông Quân, hiện các địa phương vẫn còn e ngại khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nói về nguyên nhân, ông Quân cho rằng, đó là do tư duy ngại thay đổi, bộ máy quan liêu, tư tưởng bao cấp của nhà nước vẫn còn. “Chúng ta vẫn còn sợ chuyển sang cơ chế tự chủ, mặc dù khi thực hiện cơ chế này các tổ chức vẫn được nhà nước hỗ trợ tối đa. Các viện nghiên cứu, cơ quan khoa học vẫn e ngại, vẫn muốn nghiên cứu cơ bản để được nhà nước bao cấp. Tâm lý này thể hiện đặc biệt rõ tại các viện nghiên cứu quốc gia”, ông Quân phát biểu. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Khoa học và công nghệ kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ thực hiện các hoạt động về xây dựng chính sách ưu đãi, đầu tư vốn thúc đẩy cơ chế tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị chuyển một số đơn vị nghiên cứu cơ bản về các trường đại học để gắn kết nghiên cứu với đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học; giao biên chế nghiên cứu cho các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu; đầu tư kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực; nâng cấp trang thiết bị nghiên cứu cho các tổ chức khoa học trong trường đại học thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Để thực hiện được Đề án tiếp tục đổi mới khoa học đến năm 2015, bộ trưởng Quân cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ và xây dựng nguồn nhân lực. Hiện nay tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ còn thấp, mới ở mức 1%. Nguồn nhân lực chưa có điều kiện để phát triển. Số lượng các nhà khoa học đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao và hiện đang tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính chuyên nghiệp là rất ít và ngày càng suy giảm, trong khi các cán bộ khoa học trẻ lại không được tạo động lực để phấn đấu theo đuổi và gắn bó với sự nghiệp khoa học lâu dài. Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã báo cáo công việc thực hiện và kết quả đóng góp của khoa học công nghệ trong các lĩnh vực khác trong 7 năm qua. Cụ thể: Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới tạo giàn khoan tự nâng 90 m nước với số vốn trên 2.000 tỷ, sản xuất thành công vắc- xin, vi mạch điện tử, làm chủ chế tạo thiết bị siêu trường. Đề cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong khoa học, nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho biết, các tổ chức khoa học công nghệ cần có chế độ chính sách với người làm khoa học. “Người có trình độ cao thì phải có có chế độ cao phù hợp năng lực tính chuyên nghiệp của họ, như thế mới thu hút được nhân tài”, ông Phong nói. |