Trường Đại học Sogang có hai nhà nghiên cứu có công trình đăng tải trên tạp chí Science,trong đó Tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng là người Việt Nam đầu tiên có bài đăng trên tạp chí này. Tạp chí Science thuộc Hiệp hội Hoa Kỳ vì nền Khoa học Tiên tiến (AAAS) - một tổ chức ra đời năm 1848, có sứ mệnh "thúc đẩy và bảo vệ tính chính trực của khoa học và việc sử dụng khoa học". Khi gửi bài đến Science, ban biên tập phải đọc và chuyển cho ít nhất 2 chuyên gia để đánh giá và phản biện, đề xuất lên ban biên tập về việc cho đăng hay không. Ban biên tập sẽ đọc lại lần cuối và ra quyết định cuối cùng về việc nên cho đăng hay không. Quy trình này tương đối khắt khe, và tỷ lệ bài bị từ chối bởi những tạp chí như Science là rất cao, có khi lên tới 95% hoặc hơn. Chính vì thế một nghiên cứu khoa học đăng ở Science có giá trị và ảnh hưởng rất lớn. “Được đăng công trình trên tạp chí Science là ước mơ của người làm nghiên cứu, vì thế tôi rất vui và tự hào khi có công trình nghiên cứu được công bố. Đó không phải là kết quả riêng tôi mà là nỗ lực của cả tập thể thầy trò trong 3 năm qua”, tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng, 34 tuổi, nói. Tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng |
Tiến sĩ Tùng cho biết, công trình nghiên cứu của anh về Zeolit và ứng dụng vào lĩnh vực vật liệu mới. Zeolite nguyên thủy trong tự nhiên là một dạng khoáng bao gồm oxít Silic và oxít nhôm. Trong công nghiệp, zeolit được tổng hợp và ứng dụng từ khá lâu làm xúc tác trong ngành công nghiệp dầu khí, làm chất hấp phụ, làm phụ gia trong chất tẩy rửa. Hướng nghiên cứu của anh là chế tạo các màng mỏng zeolit, và ứng dụng để tách riêng biết các phần tử trong hỗn hợp khí hay các hỗn hợp bao gồm các thành phần có kích thước phân tử khác nhau. Hướng nghiên cứu này đã được 20 - 30 năm, nhưng vẫn có những hạn chế trong quá trình chế tạo. Lần này nhóm Tùng đã nghiên cứu chế tạo màng bằng phương pháp pháp mới, tổng hợp thành công lớp màng này, với nhiều ưu điểm nổi trội hơn phương pháp cũ. “Khi thử nghiệm ứng dụng để tách riêng hỗn hợp 2 đồng phân của xylen, là nguyên liệu đầu tiên của ngành công nghiệp nhựa, kết quả cho độ tách rất cao”, Tùng nói. “Trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Science lần này, ngoài kết quả ứng dụng để tách riêng 2 đồng phân của Xylen, màng mỏng zeolit này còn được nghiên cứu ứng dụng làm vật liệu quang học, gọi là vật liệu quang học phi tuyến tính. Thử nghiệm này cũng cho kết quả cao hơn 10 lần so với các kết quả từng công bố”, Tùng nói thêm. Tiến sĩ Tùng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến dựa trên vật liệu này và đã thu được những kết quả mới rất tốt. Anh mong muốn thời gian tới có thêm nhiều hướng nghiên cứu ứng dụng dựa trên vật liệu này. Phạm Cao Thanh Tùng tốt nghiệp Đai học Khoa học tự nhiên TP HCM năm 1999, hoàn thành thạc sĩ năm 2002. Từng công tác tại viện Công nghệ hóa học, thuộc viện Khoa học Việt Nam tại TP HCM 2000 - 2006. Từ tháng 8/2006, anh làm nghiên cứu sinh tại đại học Sogang, Seoul, Hàn Quốc và tốt nghiệp tiến sĩ 8/2011. Từ tháng 9 năm nay anh đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại trường này. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, Science là một tạp chí lớn, uy tín có số lượng người đọc lên đến hàng triệu người, nhiều người sử dụng tạp chí này như một nguồn chính thức và chính dẫn lại trong các đề tài nghiên cứu. "Người ta thường xuyên dựa vào chỉ số Impact factor để đánh giá sự ảnh hưởng của một tạp chí khoa học. Và chỉ số này của tạp chí Science luôn ở mức rất cao", giáo sư Dũng nói. |