Chủ trì Hội nghị Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh thành và các Bộ nhằm triển khai nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra nhiều điểm sáng về kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm. Chỉ số lạm phát liên tục được kiểm soát trong 6 tháng, giúp CPI cả năm ở mức 18%; nhập siêu ở mức 10%, thấp nhất trong nhiều năm qua; bội chi ngân sách cũng giảm, với mức 4,9% GDP; tỷ giá cơ bản ổn định; lãi suất có chiều hướng giảm... Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhận định, tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường và rất khó dự báo. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đều chung nhận định, kinh tế 2012 sẽ khó khăn hơn 2011 và tốc độ tăng trưởng cũng thấp hơn. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa thực sự vững chắc, lạm phát cao có khả năng trở lại… Đây là điểm phải tính đến để đưa ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp cho năm 2012. Đề nghị lãnh đạo các địa phương, Bộ, ngành nghiêm túc nhìn nhận các hạn chế, yếu kém và những thách thức mới Thủ tướng khẳng định, năm 2012 vẫn phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. “Bây giờ là lúc không thể chủ quan. Không phải cứ thấy sáu tháng chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm xuống mà bằng mọi cách đưa tiền ra để thúc đẩy tăng trưởng là không được”, Thủ tướng nói. Theo người đứng đầu Chỉnh phủ, ưu tiên hàng đầu vẫn là kéo lạm xuống một con số. Chính phủ sẽ tính toán các mặt và phấn đấu lạm phát năm tới giảm xuống còn khoảng 9%. Ngoài ra, Việt Nam phải kiểm soát nhập siêu ở mức 10% như năm 2011, giữ tỷ giá ổn định. “Đầu năm 2011, Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi xuống 5,3%. Nhưng thực tế, tỷ lệ này đã được kiểm soát ở mức 4,9%. Do đó, nhiệm vụ năm tới là đưa xuống 4,8%”, Thủ tướng nói. Phương án tăng trưởng mà Chính phủ lựa chọn là 6% GDP, nếu điều kiện thuận lợi có thể lên 6,5%. | Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh, thành cùng các Bộ, ngành. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Đối với vấn đề tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ đã thảo luận, trình Trung ương, Quốc hội, và xác định quá trình này sẽ phải làm toàn diện, lâu dài và liên tục. Trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, để đầu tư công có hiệu quả, không có bội chi. Đi kèm là nâng cao hiệu quả đầu tư công, phải có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực khác để nền kinh tế đạt hiệu quả cao hơn. Thứ hai là tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để các đơn vị này làm tốt vai trò định hướng thị trường, làm tốt hơn nhiệm vụ so với nguồn lực được đầu tư, đạt hiệu quả cao hơn. Theo Thủ tướng, sau 10 năm sắp xếp bằng mọi hình thức như cổ phần hóa, giải thể, số lượng doanh nghiệp nhà nước từ hơn 6.000 đến nay đã giảm xuống còn hơn 1.300. Thời gian tới, việc tái cơ cấu sẽ được thực hiện theo hướng doanh nghiệp nhà nước chỉ giữ lại những khu vực nhà nước cần. 5 năm tới giảm số doanh nghiệp nhà nước xuống khoảng 600. Ngoài ra, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần đi liền với ổn đinh kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát và duy trì tăng trưởng ở mức 6%. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới các nhiệm vụ cải cách hành chính, chống tham nhũng, đảm bảo an ninh chính trị, độc lập chủ quyền… để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2012: GDP tăng 6-6,5%; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng dưới 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; nhập siêu khoảng 11-12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33,5% GDP; bội chi Ngân sách Nhà nước dưới 4,8% GDP |
|