Theo chương trình, Hội nghị quốc tế lần thứ 14 về Những biên giới của sắc động lực học lượng tử - Từ những bí ẩn đến khám phá sẽ do giáo sư Tang Chung I (người Mỹ gốc Hoa, từng được nhận giải Nobel) chủ trì và Hội nghị quốc tế thứ 10 bàn về Lực hấp dẫn, vật lý thiên văn và vũ trụ học sẽ do giáo sư Triay (quốc tịch Mỹ) chủ trì. Trong suốt thời gian diễn ra các hội nghị, sẽ có 200 bản báo cáo khoa học của các giáo sư trong và ngoài nước về kết quả nghiên cứu thực nghiệm về tán xạ nhiễu xạ, tán xạ đàn hồi của các hadron (Diffraction and Elastic Scattering); tán xạ phi đàn hồi sâu (DIS) trong các máy gia tốc ở Tevatron, LHC; các tán xạ do các tia vũ trụ (Cosmic Rays); các phương pháp tính toán kinh điển như lý thuyết nhiễu loạn, phi nhiễu loạn, các mô hình cấu trúc Parton, Hadrons, vật lý Spin cũng như các lý thuyết mới đang được phát triển như AdS/CFT; những tìm tòi thực nghiệm về lực hấp dẫn và các triển khai lý thuyết của chúng. Một lĩnh vực vật lý thiên văn hạt đặc biệt được phát triển gần đây ở Việt Nam là nghiên cứu tia vũ trụ do nhóm của giáo sư Pierre Darriulat tại Vatly/Inst ở Hà Nội tiến hành. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra hội nghị, còn có buổi thuyết trình về thiên văn với chủ đề"Tiếng nổ lớn và vị trí con người trong vũ trụ" do giáo sư Trịnh Xuân Thuận - Đại học Virginia (Mỹ) trình bày. Giáo sư Trần Thanh Vân, thành viên Ban tổ chức cho biết: Các hội nghị quốc tế lần này được tổ chức là cầu nối để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới với Việt Nam, qua đó giúp cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với các nền khoa khọc về thiên văn và vũ trụ của thế giới; khuyến khích các tranh luận về quan điểm để từ đó làm nảy sinh các ý tưởng sáng tạo. |