Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có đại diện một số Sở KH&CN, Sở Công thương phía Nam, Viện, Trường, Trung tâm và các Doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Về phía khách mời quốc tế có đại diện lãnh đạo của Viện Thông tin KH&CN Vân Nam, Đại học Giao thông Thượng Hải, Dei Technology Co. Ltd (Công nghệ đèn LED- Hàn Quốc); Nexpower Co. Ltd (Đài Loan); ULVAC Photovoltaic Technology Co (Nhật Bản).
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã giới thiệu những công nghệ có điều kiện và khả năng chuyển giao, giúp khuyến khích ứng dụng vào thực tiễn các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cũng như hộ gia đình.
Báo cáo tham luận đã được trình bày tại Hội thảo gồm: Chính sách và hiện trạng sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng mặt trời; Nghiên cứu và phát triển công nghệ chuyển đổi năng lượng sinh khối;Công nghệ quang điện; Sản xuất pin mặt trời tại Việt Nam bằng công nghệ màng mỏng; Tiết kiệm năng lượng và hiệu quả thiết bị đèn LED; Thực trạng và giải pháp sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời tại Việt Nam; Sản xuất quang điện từ công nghệ Silic màng mỏng; Sản xuất điện năng từ bèo Lục Bình; Tận dụng năng lượng mặt trời.
Hội thảo thực sự là nhịp cầu kết nối hợp tác trong nghiên cứu, đầu tư, sản xuất và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với nhiều tiềm năng và triển vọng ở nước ta.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng, Cơ quan đại diện của Bộ KH&CN tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Yêu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế và đời sống ở mọi quốc gia cùng với những vấn đề ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng bức bách trên phạm vi toàn cầu với tính chất ngày càng khốc liệt. Để giải quyết bài toán đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển bền vững, các quốc gia đang đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dung các công nghệ theo hai hướng chính. Đó là sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn năng lượng mà trọng tâm là các công nghệ và thiết bị hiệu năng cao tiêu tốn ít năng lượng thân thiện với môi trường và các giải pháp quản lý. Đồng thời phát triển nhanh, quy mô lớn các công nghệ sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà trọng tâm là năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nhiên liệu sinh học.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển công bố ngày 29/11/2011 cho thấy, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ có thể giúp các nước đang phát triển thoát khỏi tình trạng “nghèo năng lượng” trong bối cảnh 89% năng lượng được tiêu thụ trên thế giới có nguồn gốc là năng lượng rắn, 7% là năng lượng hạt nhân, chỉ có 4% bắt nguồn từ năng lượng tái tạo.
Về tương lai năng lượng bền vững của Việt Nam “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020”, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định: Phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong đó phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng; khoảng 5% vào năm 2020, và khoảng 11% vào năm 2050.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chỉ tiêu phát triển 3% các nguồn năng lượng mới và tái tạo trên tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010 đã không đạt được. Thực trạng này cho thấy, chỉ tiêu 5% nguồn điện từ các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo vào năm 2020 đang là thách thức không nhỏ.