Mối đe dọa khủng bố hạt nhân Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Washington (Mỹ) năm 2010 là một thành công với việc các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đã ngồi lại với nhau để trao đổi về vấn đề an ninh hạt nhân toàn cầu. Ở Hội nghị lần thứ 2 tại Seoul (Hàn Quốc), các nhà lãnh đạo cấp cao các nước đã thống nhất đưa ra các giải pháp định hướng hành động trong tuyên bố chung. Tuy nhiên, theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), từ năm 1992 đến 2013 đã phát hiện 2.363 trường hợp vận chuyển bất hợp pháp; lấy cắp hoặc mất trộm các vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ. Mặc dù đã có nhiều tiến triển trong lĩnh vực bảo vệ vật liệu hạt nhân và tăng cường chế độ an ninh hạt nhân toàn cầu, song mối đe dọa của khủng bố hạt nhân vẫn còn hiện hữu, các nhà máy điện hạt nhân vẫn là các mục tiêu của khủng bố cả ở châu Âu và Mỹ. Hội nghị kéo dài 2 ngày, diễn ra trong bối cảnh các nước ngày càng coi trọng vai trò của cơ chế đa phương trong việc hoạch định và điều phối các hoạt động quốc tế nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu trong đó có vấn đề khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí hạt nhân… Chuyển giao nhiên liệu hạt nhân – nỗi lo không chỉ riêng ai (Ảnh minh họa: theguardian.com) Giảm uranium, tăng plutonium? Theo tờ Foreign Policy, tại hội nghị lần này, các nước phương Tây sẽ thảo luận kêu gọi các nước kiềm chế xuống mức tối thiểu kho dự trữ plutonium, một loại nhiên liệu dùng chế bom nguyên tử từng tàn phá Nagasaki hồi tháng 8-1945. Tuy nhiên, lời kêu gọi có vẻ lạc lõng khi mà thực tế cho thấy một số cường quốc đang sản xuất và thậm chí xuất khẩu ồ ạt loại nhiên liệu này. Nhật Bản, Ấn Độ và Nga có kế hoạch xây dựng hệ thống năng lượng mới dựa trên các lò phản ứng plutonium. Pháp và Anh thì sản xuất plutonium dưới dạng hợp đồng mua bán với các nước khác. Riêng Ấn Độ, Pakistan và Israel thì sản xuất plutonium để sản xuất vũ khí, theo báo cáo của Ủy ban Quốc tế về vật liệu phân hạch năm 2013. Kết quả, trong khi kho nhiên liệu uranium toàn cầu đang được thu hẹp sau Chiến tranh lạnh thì kho nhiêu liệu plutonium lại đang phát triển. Ước tính, lượng nhiên liệu này có thể lên đến 490 tấn – về lý thuyết đủ để sản xuất hàng chục ngàn loại vũ khí. Chỉ cần 1 túi nặng khoảng 2,5kg chứa uranium làm giàu và một ít plutonium cỡ như quả bưởi cũng đủ để chế tạo một quả bom hạt nhân. Dự kiến tại hội nghị thượng đỉnh lần này, một số nước sẽ công bố khả năng giảm nhiên liệu hạt nhân xuống tới mức nào hoặc sẽ chuyên giao vật liệu hạt nhân như thế nào… Vấn đề là làm sao đảm bảo sự minh bạch của các công bố đó. Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Ngoại giao Nga ngày 23-3 tuyên bố, Nga đã và đang hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình đối với đảm bảo an ninh hạt nhân. Cụ thể, Nga đã tham gia tất cả các cơ chế quốc tế quan trọng trong lĩnh vực an ninh hạt nhân như: Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, Công ước quốc tế về ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân. Ngoài ra, Nga liên tục cải thiện các quy định quản lý, cập nhật các biện pháp bảo đảm an toàn, kiểm soát vật liệu hạt nhân cũng như điều tiết an ninh hạt nhân. |