Các mẫu bùn lấy lên từ độ sâu 5.800 mét dưới đáy đại dương có chứa một lượng lớn đất hiếm, vốn là nguyên liệu tối quan trọng cho việc sản xuất thiết bị công nghệ, chẳng hạn như tuốc-bin gió và iPhone, AFP đưa tin ngày 21/3.
Phát hiện này là một tin rất tốt cho Nhật vì nước này hiện đang phải lệ thuộc lớn vào nguồn cung cấp đất hiếm từ Trung Quốc, quốc gia hiện đang sở hữu khoảng 90% trữ lượng đất hiếm của thế giới.
Nhật Bản công bố tìm thấy một trữ lượng đất hiếm khổng lồ dưới đáy đại dương
“Đất hiếm rất cần thiết cho các công nghệ tiên tiến. Nhật Bản đang phải đối mặt với một nhiệm vụ cấp bách, đó là đảm bảo một nguồn cung ứng đất hiếm ổn định”, các nhà khoa học tại Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ biển-đất cho biết.
Các mẫu bùn, được thu thập từ đáy đại dương ở vùng biển gần đảo Minamitori, cách thủ đô Tokyo khoảng 2.000km về phía đông nam, có chứa lượng đất hiếm cao gấp 10 lần so với mẫu lấy lên từ đáy biển ở Hawaii, các nhà khoa học cho hay.
Ngoài ra, độ tập trung của đất hiếm lẫn trong bùn ở dưới đáy biển trong lãnh hải của Nhật cao gấp 20-30 lần so với mức độ của các mỏ khai thác tại Trung Quốc.
Các nhà khoa học Nhật cũng ước tính lượng trữ lượng đất hiếm dưới đáy biển đạt khoảng 6,8 triệu tấn, đủ cho Nhật Bản sử dụng trong vòng 220-230 năm.
Mặc dù khám phá trên có thể giúp Nhật không còn phải lệ thuộc nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, nhưng chi phí để khai thác trữ lượng dưới lòng đại dương nhiều khả năng sẽ là một bài toán khó cho Nhật.
Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) cho biết cho đến nay vẫn chưa có ai khai thác được trữ lượng lớn khoáng sản ở độ sâu 5.000 mét.