Vào lúc bắt đầu hình thành dòng chảy, lòng sông
thường không phẳng. Những nơi nước sông chảy qua, vì rất nhiều nguyên
nhân, nên tốc độ chảy ở hai bên trái phải không hoàn toàn bằng nhau.
Nơi này bờ sông lở một chút, nơi kia mất một cái cây, nơi khác nữa có thêm dòng nước chảy từ bên ngoài vào…
Những hiện tượng đó đều có thể làm cho tốc độ chảy
của sông ở một nơi nào đó nhanh lên hoặc chậm đi. Đồng thời vật chất
hai bên bờ cũng khác nhau, có nơi dễ bị phá vỡ, có nơi lại khá rắn
chắc. Tất cả những cái đó đã làm cho lòng sông trở thành uốn khúc quanh
co.
Một khi đã sinh ra khúc quanh, nó sẽ tiếp tục phát
triển. Bởi vì hướng dòng nước là chảy thẳng vào bờ lõm, hơn nữa nước ở
tầng trên cũng từ bờ lồi chảy vào bờ lõm, còn nước ở tầng dưới lại từ
bờ lõm chảy ngang về phía bờ lồi làm cho bờ lõm bị phá hoại mạnh mẽ.
Trong khi đó nước ở bờ lồi lại chảy tương đối chậm, năng lượng yếu. Vì
thế ở phía bờ lõm, bùn cát dễ bị cuốn đi, lòng sông tương đối sâu, bờ
sông dốc, trở thành nơi lý tưởng cho các bến cảng.
Dưới tác dụng lâu dài của nước sông, bờ lõm do bị
không ngừng phá hoại mà ngày càng lõm, bờ lồi vì nước chảy chậm, bùn
cát không những bị cuốn đi mà ngược lại còn tích tụ ngày càng nhiều
khiến bờ lồi ngày càng lồi thêm. Dòng sông trở nên quanh co.
Khi đáy sông cao hơn mực nước chảy vào sông, nước
sông chủ yếu xâm thực xuống dưới, còn khi đáy sông thấp hơn thì nước
sông chủ yếu xâm thực vào hai bên. kết quả của sự xâm thực là lòng sông
dần rộng thêm ra, dòng sông ngày càng uốn khúc, điểm bắt đầu và điểm
kết thúc của một khúc ngày càng gần, thậm chí cuối cùng bị xuyên qua. Ở
hai đầu của khúc cong cũ, bùn cát tích đọng càng nhiều, làm cho khúc
cong và dòng chảy bị tách rời, cuối cùng hình thành những chiếc hồ hình
cánh cung, hay hồ hình móng ngựa (hồ Tây là một điển hình). |