Đối với cơ thể, đứng từ trên nóc nhà cao tầng nhìn
xuống chính là một loại kích thích bất thường với cường độ mạnh. Nó gây
ra phản ứng theo nhiều đường khác nhau. Người ta cảm thấy chóng mặt
chính là do những phản ứng đó.
1. Cảnh tượng từ trên cao khiến ta căng thẳng. Sự
căng thẳng này tạo ra hàng loạt phản xạ thần kinh, nhất là thần kinh
giao cảm bỗng hưng phấn làm cho tim đập nhanh, chân lông dựng lên, lỗ
đồng tử giãn ra, chân tay đổ mồ hôi, thở gấp, quan trọng hơn cả là làm
co mạch máu, huyết áp tăng đột ngột. Hiện tượng này làm cho người ta bị
chóng mặt.
2. Lên cao sẽ bị kích thích bởi áp lực không khí và
tiếng gió, cùng với kích thích của thị giác khi nhìn xuống. Những nhân
tố này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc cân bằng trong tai. Điều này làm ta
nhất thời mất đi cảm giác thăng bằng, gây chóng mặt, thậm chí còn có thể
nôn mửa, giống như say tàu xe vậy.
3. Tiểu não cũng phụ trách động tác cân bằng. Các
kích thích khi tác động mạnh vào lớp vỏ đại não, “bộ tư lệnh” thần kinh
cao cấp nhất của cơ thể người, sẽ thông qua thị giác, thính giác để tác
động vào tiểu não, gây ra hàng loạt hoạt động điện sinh học, làm nhiễu
chức năng tiểu não trong thời gian ngắn, khiến ta chóng mặt.
Vậy tại sao lên tầng cao mới có hiện tượng này, còn
lên núi cao lại không? Vấn đề rất đơn giản. Vì tầng cao là lên thẳng,
tạo ra sự tương phản độ cao rõ rệt với cảnh vật xung quanh, do đó kích
thích mạnh mẽ hơn. Lên núi, dù cho núi cao gấp nhiều lần toà nhà, nhưng
do độ cao của nó thoai thoải, tăng dần, khác biệt với chung quanh không
rõ rệt, đứng ở ngọn núi này vẫn thấy nhiều ngọn núi khác nhấp nhô, cho
nên không tạo ra kích thích mạnh, ít ảnh hưởng đến thần kinh con người.
Đối với những người ít khi lên tầng cao, trước khi
đi lên cần chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng, tốt nhất nên ngắm nhìn phong cảnh
ở xa trước, làm cho thị giác, thính giác và tinh thần quen dần, rồi mới
thu gần lại và nhìn thẳng xuống. Như vậy, ta sẽ không bị chóng mặt. |