Khi ngáp, cơ mặt, lưỡi và họng của chúng ta co
mạnh, làm tăng áp lực trong khoang miệng. Áp lực này ảnh hưởng đến
khoang mũi, tạm thời ngăn đường thoát của nước mắt xuống mũi, do đó nước
từ tuyến lệ tràn ngược vào trong mắt, khiến mắt ta đầm đìa.
Nguồn nước mắt do đâu mà có? Trong khoang mắt, bên
trên và dưới mỗi con mắt đều có một tuyến lệ, chỉ bằng hạt đậu thôi,
hình tròn dẹt, có thể sản sinh ra nước mắt. Tuyến lệ có ống thoát nước
chảy vào bề mặt con mắt, giữ cho giác mạc và kết mạc lúc nào cũng ướt.
Nước mắt cũng có thể trào ra để rửa sạch bụi bẩn lọt vào mắt, đồng thời
sát trùng, cho nên nó được coi là một “vệ sĩ”.
Thông thường, tuyến lệ chỉ tiết ra một ít nước mắt.
Ban ngày lúc thức, trong vòng 16 giờ, tuyến lệ tiết ra khoảng 0,5- 0,6 g
nước mắt. Khi ngủ mắt nhắm lại, tuyến lệ coi như ngừng làm việc. Nếu
thế, hai con mắt lúc nào cũng đầm đìa nước ư? Điều kỳ diệu của con người
chính là ở chỗ đó, vừa có bộ phận sản xuất lại có bộ phận tiêu thụ. Ở
góc trong mỗi con mắt (y học gọi là nội xế) đều có các lỗ nhỏ thu thập
nước mắt, thông xuống mũi. Nước mắt đi xuống hoà cùng với nước mũi sẽ
chảy ra ngoài.
Khi người ta mệt mỏi hoặc lâu không thở không khí
tươi mới, trong cơ thể tích đọng quá nhiều CO2, kích thích thần kinh
phản xạ, nên mới ngáp. Cùng với động tác này, một khối khí lớn từ miệng
trút ra, sinh áp lực trong miệng, ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời
ngăn đường thoát của nước mắt, do đó nước mắt từ tuyến lệ tràn vào mắt.
Thực ra, không chỉ có ngáp, mà những động tác làm
co cơ mặt khác, ví dụ cười ngặt nghẽo, hắt hơi, ho, nôn… đều có thể làm
chảy nước mắt. Ngoài ra, đôi khi bụi vào mắt, khói, ánh sáng chói, gió
lạnh cũng có thể tạo ra tình huống tương tự. Cũng vì thế, khi chảy nước
mắt bao giờ cũng kèm theo nước mũi chảy dài. Tại sao vậy, chắc các bạn
cũng suy luận được rồi. |