Chúng tôi có mặt ở Phi đội DHC-6 (thuộc Bộ Tham mưu Hải quân) vào những ngày cuối năm 2013. Không còn là cái rét cắt da như miền Bắc, thay vào đó là cái nắng hầm hập của phố biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Cán bộ, chiến sĩ nào ở đây cũng chung khuôn mặt cháy sạm. Cảm giác mới lạ Từ trên cửa máy bay bước xuống, đại úy Vương Đăng Nam - phi đội trưởng, người vừa tham gia lái huấn luyện các tình huống chiến đấu - hào hứng: “Tôi là người đầu tiên được lái chiếc thủy phi cơ hiện đại nhất Việt Nam luyện tập trên bầu trời. Cảm giác thật tự hào biết bao! Không chỉ riêng tôi mà tất cả cán bộ, chiến sĩ hải quân đều mong muốn có những chiếc phi cơ hiện đại như DHC-6. Được ngồi trên chiếc máy bay này cơ động ra Trường Sa hay bất cứ hòn đảo nào của nước ta đều rất an tâm”. | Phi đội DHC-6 nhận nhiệm vụ trước giờ bay luyện tập |
Với tính năng đa dụng và cấu tạo chắc chắn, DHC-6 có thể sử dụng trong mọi địa hình, nhất là trong thời tiết khắc nghiệt. Thủy phi cơ này được tích hợp các bộ phận cảm biến cho sự uyển chuyển và đa năng, mang theo hệ thống quang điện tử, hồng ngoại với khả năng quét 360 độ và hệ thống radar kỹ thuật số màu rất thuận tiện trong quan sát mục tiêu từ xa. Quãng đường bay của DHC-6 tăng thêm nhờ sử dụng bình xăng phụ. Vì thế, DHC-6 thực sự đem lại cảm giác mới lạ cho phi công. Đại tá Lê Mạnh Tiến, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, khẳng định: “Tiếp nhận và đưa DHC-6 vào sử dụng chính là bước tiến mới trong lộ trình xây dựng Quân chủng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là của lực lượng không quân hải quân. Hiện chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ được chiếc phi cơ đầu tiên này”. Theo đại tá Tiến, DHC-6 được biên chế cho lực lượng hải quân để thực hiện tuần tra, tuần thám, bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển đảo Việt Nam; tham gia chở khách, cứu hộ, cứu nạn trên biển, sẵn sàng giúp đỡ các lực lượng đi biển khi gặp nạn. Làm chủ trong thời gian ngắn Thành lập ngày 25-12-2011, chỉ 3 hôm sau ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, phi đội trực thăng EC-225 đã không ngừng huấn luyện, tập luyện các tình huống trên không để đủ sức vươn xa trên bầu trời. Các cán bộ chỉ huy, phi công, kỹ thuật… của phi đội có mặt tại TP Vũng Tàu thơ mộng để tham gia huấn luyện bay cùng những phi cơ hiện đại này. Thiếu tá Phạm Văn Tần, chính trị viên phi đội, cho hay khi mới nhận EC-225 về, dù đây là thế hệ máy bay hiện đại của châu Âu nhưng đơn vị vẫn hoàn toàn làm chủ trong thời gian ngắn. Suốt quá trình huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm kỷ luật, luôn xác định trách nhiệm trong mỗi giờ bay, mỗi ngày huấn luyện. Máy bay xuất kích là mọi người đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Chính xác từng centimet Được tận mắt thấy nội dung bay cất/hạ cánh, bài bay huấn luyện hằng ngày của đại úy Hoàng Văn Thuyên, biên đội trưởng, chúng tôi thực sự khâm phục trình độ của phi công này. Chỉ trong vòng 1-2 giờ, anh phải cất và hạ cánh vòng, thực hành bài bay từ thấp đến cao qua nhiều khu vực của TP Vũng Tàu và vùng biển lân cận. Vì là bài bay tập cho máy bay hạ cánh ở nhà giàn hay ở sân bay có diện tích hẹp nên vị trí hạ cánh phải chính xác đến từng centimet, đòi hỏi khả năng thao tác, làm chủ phương tiện thật sự chuẩn xác. Bay ở vùng biển luôn gặp điều kiện thời tiết phức tạp nên phi công phải rèn luyện khả năng chịu áp lực về thời tiết xấu, thời gian dài, việc xử lý tình huống. Do đã từng làm quen với nhiều loại máy bay nên đại úy Thuyên và kíp bay đã thực hành rất tốt các bài tập. Để đào tạo một phi công lái chính cho chiếc thủy phi cơ DHC-6 hoặc trực thăng EC-225 cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Phi công cấp 1 được lựa chọn đi đào tạo ở nước ngoài phải tuyển chọn trong số những phi công có trình độ ngoại ngữ khá tốt. Người được chọn phải đi học thêm Anh văn tại Học viện Hải quân và Học viện Phòng không - Không quân khoảng 1 năm. Khi ra nước ngoài, họ còn tiếp tục được đào tạo nâng cao ở 2 trung tâm ngoại ngữ khác. Khâu tiếp theo là đào tạo lái máy bay từ thấp đến cao. Để đạt trình độ lái chính, phải kinh qua điều khiển 6 - 9 loại máy bay khác. Học viên phải được huấn luyện trên 330 giờ bay mới được cấp bằng phi công thương mại lái chính (tương đương cơ trưởng). Năm 2013 khép lại cũng là lúc những chiếc máy bay DHC-6 hay EC-225 bay thuần thục trên bầu trời nước ta. Đây chính là sự khẳng định bước tiến mới trong lộ trình xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam tiến lên hiện đại. Trong đó, lực lượng không quân làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều tính năng ưu việt Thủy phi cơ DHC-6 có tên đầy đủ là Twin Otter Series 400. Đây là loại máy bay 19 chỗ ngồi luôn đắt khách hàng, là niềm tự hào của Canada và là thành tựu công nghệ chế tạo máy bay hàng đầu của hãng Viking. Chiếc thủy phi cơ có tốc độ đồng hồ lớn nhất ở độ cao từ 0 đến 2.000 m đạt 307 km/giờ; thời gian bay tối đa ở độ cao 3.000 m là 6 giờ 51 phút. Quãng đường cất cánh đến khi đạt độ cao 15 m là 366 m, hạ cánh tính từ độ cao 15 m là 320 m. Tổ bay có 1 hoặc 2 phi công, số lượng người đi cùng tối đa là 19. Thủy phi cơ có thể cất, hạ cánh ở đường băng đất, cát, cỏ, băng tuyết, mặt nước, sình lầy... và nhiều tính năng ưu việt khác. Trong khi đó, EC-225 là mẫu trực thăng mới nhất của hệ máy bay Super Puma được sản xuất ở nhà máy Eurocopter - Pháp. Đây là loại máy bay biển tầm xa hiện đại, thích hợp cho công tác tuần thám, trinh sát và tìm kiếm cứu hộ. Với 5 cánh, EC-225 có thể đạt tốc độ 260 km/giờ, tải trọng tối đa 11 tấn với sức chứa 19 người và 2 phi công. Nhờ được lắp thêm khoang chứa dầu phụ nên nó có thể bay xa tới 850 km. EC-225 được trang bị hệ thống hiển thị buồng lái tích hợp kỹ thuật số công nghệ mới nhất và bộ điều khiển tự động, bảo đảm tính an toàn cho chuyến bay. |
|