"Bắp cải" Biển Đông
| Tàu chiến TQ tập trận ở Biển Đông. Ảnh: THX
|
Chiến lược "bắp cải" được nhiều tướng lĩnh Trung Quốc nhắc đến trong năm nay khi nước này ngày càng mạnh tay và quyết đoán trong khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Chiến lược này triển khai theo kiểu các tàu chính phủ (như ngư chính, hải giám) được điều đến những khu vực tranh chấp, bao vây và kiểm soát, hiện diện lâu dài, rồi tàu chiến được điều động để "răn đe". Tướng quân đội Trung Quốc Trương Triệu Trung giải thích: “Chiến lược thỏa đáng này nhằm đảm bảo cho ngư dân Trung Quốc có thể đánh bắt an toàn, quyền hàng hải, lợi ích và chủ quyền của Trung Quốc được đảm bảo. Chúng ta đã có kinh nghiệm làm theo cách này để lấy các đảo, bãi đá ngầm. Bước tiếp theo là củng cố sức mạnh và thẩm quyền, phát triển kinh tế, du lịch, ngư nghiệp, bảo vệ hàng hải”. Đầu tháng 1, chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn việc dành 1,6 tỉ USD để củng cố các đảo ở Biển Đông mà nước này có tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Kế hoạch củng cố các đảo bao gồm xây dựng sân bay, cầu cảng và các cơ sở khác có thể sử dụng được cho cả mục đích dân sự và quân sự. Vài ngày sau, Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) đã công bố bản đồ mới, thể hiện rõ các đảo ở Biển Đông trên các bản đồ chính thức. Đặc biệt vào cuối tháng 3, lực lượng đặc nhiệm đổ bộ của hải quân Trung Quốc được trang bị đầy đủ đã tới vùng cực nam mà Bắc Kinh lớn tiếng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Động thái bất ngờ này đã khiến khu vực lo ngại. Một đội tàu 4 chiếc, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đã tới bãi đá James - cách Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km và cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800km, vượt ra cả ngoài giới hạn "bản đồ 9 đoạn" mà Trung Quốc tự đưa ra với yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông. Hành động này được coi là biểu hiện của chiến lược "chuyển từ cường quốc đất liền sang cường quốc hàng hải" và dùng hải quân để "đánh dấu lãnh thổ". Vào tháng 8, theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản) thì hải quân Trung Quốc đã mở một lộ trình tuần tra giám sát mới bao trùm hầu hết các bãi đá ngầm và đảo tranh chấp ở Biển Đông. Thậm chí gần đây, một trang báo ủng hộ chính phủ của Trung Quốc có tên Weweipo đã đưa ra bài mô tả về "các cuộc chiến tranh Trung Quốc chắc chắn phải đối đầu trong 50 năm tới". Dĩ nhiên, trong đó có Biển Đông. Vùng phòng không Hoa Đông
Tại Hoa Đông, xung quanh việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật, nhưng Trung Quốc cũng yêu sách chủ quyền), chiến thuật của Trung Quốc khá cao tay, bao gồm cả nỗ lực sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng tranh chấp. Căng thẳng lãnh thổ Trung - Nhật đã âm ỉ nhiều năm qua và lên tới đỉnh điểm vào tháng 9 năm ngoái khi chính phủ Nhật mua ba trong số nhóm đảo tranh chấp tại Hoa Đông từ tay chủ sở hữu tư nhân. Thậm chí theo một số nguồn tin quân sự, hồi đầu tháng 1, quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị cho khả năng chiến tranh với Nhật xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh không ngừng điều động và thường xuyên duy trì sự hiện diện của các tàu chính phủ, máy bay tại vùng tranh chấp. Thậm chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không ngại ngần khẳng định: “Nói tới quần đảo Điếu Ngư là nói về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Dĩ nhiên, nó là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Lưu ý rằng, bất kỳ khi nào Trung Quốc muốn xác định các vấn đề quan trọng đủ để có thể dẫn tới chiến tranh vì nó, họ lại sử dụng cụm từ “lợi ích cốt lõi”. Đỉnh điểm căng thẳng ở Hoa Đông là vào ngày 23/11 khi Trung Quốc thông báo thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, bao trùm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản. Theo đó, mọi máy bay nước ngoài đi vào khu vực này phải thông báo với phía Trung Quốc về kế hoạch bay và tuân theo quy định của nước này. Cuộc tranh chấp lãnh thổ Nhật - Trung đang ngày càng tiến sát tới bờ vực nguy hiểm. Ranh giới ADIZ mà Trung Quốc đưa ra ở Hoa Đông cũng là nơi máy bay Nhật thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra giám sát vì Tokyo coi đó là không phận của mình. Bởi thế, động thái của Bắc Kinh sẽ tạo cơ hội cho đụng độ, sự cố hay những điều tương tự. Nhật là nước đã quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hơn 100 năm, và Trung Quốc đang tìm cách đảo lộn nguyên trạng ấy bằng sự hăm dọa. Căng thẳng trở nên nguy hiểm gấp bội vì hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật. Quần đảo không có người ở nay trở thành biểu tượng cạnh tranh của chủ nghĩa dân tộc, của giành giật ảnh hưởng. Láng giềng ứng phó
| Nhật trình làng tàu chiến lớn nhất từ Thế chiến II. Ảnh: Reuters |
- ASEAN lấy Biển Đông là trọng tâm: Ngay trong bài phát biểu nhậm chức sáng 9/1 tại Jakarta, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã đề cập việc ASEAN cần tăng tốc đàm phán với Trung Quốc để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 (AMM 46) ở Brunei đầu tháng 7, Ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định “các cam kết tập thể” trong khuôn khổ DOC để đảm bảo giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
- Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế: Vào tháng 1, Philippines chính thức gửi Thông báo pháp lý và Tuyên bố Yêu sách lên Liên hợp quốc yêu cầu thành lập một Tòa trọng tài theo UNCLOS. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện. Tuy nhiên, theo quy định của UNCLOS, Tòa trọng tài có thể tiến hành mà không cần Trung Quốc tham gia. Tòa đã họp phiên đầu tiên vào ngày 11/7 và gửi dự thảo Quy định Tổ tụng để Philippines và Trung Quốc góp ý kiến. Trung Quốc vẫn giữ quan điểm không chấp nhận các hành động pháp lý mà Philippines khởi xướng và sẽ không tham gia quá trình tố tụng. Ngoài nỗ lực thúc đẩy quá trình xét xử, Manila còn tăng cường hợp tác quốc phòng với nhiều nước trong khu vực bên cạnh siết chặt liên minh với Mỹ nhằm củng cố khả năng phòng thủ trước một Trung Quốc ngày càng quả quyết về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển. Một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng nhanh chóng rào giậu, mua sắm trang thiết bị quân sự, nâng cao khả năng hải quân. Điển hình như Hải quân Hoàng gia Malaysian (RMN) khi thành lập lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ mới, đồng thời xúc tiến xây dựng căn cứ hải quân ở Biển Đông gần vùng tranh chấp với Trung Quốc. - Tại Hoa Đông, Nhật đã thực thi hàng loạt biện pháp củng cố lực lượng, đối phó với Trung Quốc. Lần đầu tiên trong vòng 11 năm, Nhật đã tuyên bố tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2013. Nước này cũng trình làng tàu chiến lớn nhất kể từ Thế chiến II, nhiều đơn vị chuyên trách phòng thủ đảo cũng ra đời. |