1. Sắm tàu hộ vệ, nâng cấp tàu tuần tiễu Hamilton
Hải quân Philippines đang có kế hoạch mua sắm 2 tàu hộ vệ trên 2.000 tấn và trang bị tên lửa chống hạm, chống ngầm trên 2 tàu tuần tiễu lớp Hamilton mua lại của Mỹ để nâng cao khả năng tác chiến trên Biển Đông.
Theo đó, tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defenced Weekly cho biết, hải quân Philippines đang lên kế hoạch nâng cấp mạnh 2 tàu tuần tiễu thuộc lớp Hamilton mua lại của Mỹ, là PF-15BRP Del Pilar và PF-16 BRP Ramon Alcaraz.Dự kiến đầu năm tới hợp đồng mời thầu sẽ được triển khai, gồm các hạng mục nâng cấp các hệ thống dẫn đường, động lực, thông tin, giám sát và vũ khí. | Tàu tuần tiễu PF-16 BRP Ramon Alcaraz Philippines mua của Mỹ |
Các tàu tuần tiễu lớp Hamilton có lượng giãn nước tới 3.250 tấn, dài 115m, rộng 13m. So với các tàu chiến trong khu vực Đông Nam Á, thì kích thước của chúng không hề thua kém nhưng hệ thống vũ khí thì không mạnh. Tàu chỉ được trang bị một pháo hạm Mk.75 76mm, 2 pháo Mk.38 cỡ 25mm và 2 hệ thống phóng mồi bẫy Mk.36, và không được trang bị tên lửa hay ngư lôi.
Jane’s cho biết, hải quân Philippines có tham vọng trang bị thêm một số hỏa lực mạnh, biến 2 tàu này thành các khinh hạm thực thụ, trọng điểm là trang bị các hệ thống tên lửa hạm đối hạm, hạm đối ngầm. Tuy nhiên, vấn đề thiếu kinh phí có thể là yếu tố cản trở việc gói nâng cấp này, được thực hiện toàn diện cùng một thời gian hay là nâng cấp dần dần theo từng đợt.
Một bộ phận rất quan trọng trong kế hoạch nâng cao năng lực tác chiến của hải quân Philippines là họ sẽ mua sắm 2 tàu tàu hộ vệ có chiều dài trên 100m, lượng giãn nước trên 2000 tấn. Kế hoạch này đã được Philippines bắt đầu khởi động vào tháng 10 vừa qua.
Sau khi hoàn tất kế hoạch nâng cấp 2 tàu tuần tiễu lớp Hamilton và mua sắm 2 tàu hộ vệ mới, lực lượng hải quân Philippines tuy không thể có sự biến đổi mạnh về chất, nhưng với việc sở hữu 4 chiến hạm thực thụ, có lượng giãn nước hàng đầu Đông Nam Á và hệ thống vũ khí mạnh sẽ giúp cho người Philippines thêm tự tin trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.
2. Khinh hạm mới lớp Maestrale
Đầu tháng 7/2013, Thứ trưởng quốc phòng Philippines, ông Fernando Manalo cho biết, Hải quân Philippines đã quyết định mua 2 chiếc khinh hạm mới lớp Maestrale của Italia. Philippine và Italia bắt đầu đàm phán cung cấp chiến hạm từ mùa hè năm 2012. Ở thời điểm đó, Philippines chỉ dự kiến chi ra 11,7 tỷ peso cho việc mua sắm và nhắm tới các khinh hạm lớp Maestral đã qua sử dụng trong biên chế hải quân Italia như: Maestral, Grecale, Libeccio, Scirocco, Alizeo, Europallets, Espero và Dzeffiro. Toàn bộ chúng đều được chế tạo từ những năm 1980.
Hiện không rõ trang bị và phiên bản khinh hạm lớp Maestral Philippines đặt mua. Tuy nhiên, khinh hạm lớp Maestral tiêu chuẩn có lượng choán nước đạt 2.300 tấn, tốc độ hải trình đạt 32 hải lý/giờ và tầm hoạt động gần 6.000 hải lý. Hỏa lực của lớp tàu chiến này là 4 đạn tên lửa diệt hạm Teseo, tổ hợp tên lửa phòng không Aspide, hải pháo 127mm Otobreda, 2 pháo 40mm DARDOvà 2 cơ cấu phóng ngư lôi cỡ 533mm và 324mm.
3. Máy bay không người lái
Bộ Quốc phòng Philippines đã có kế hoạch chi 684 triệu peso (15,5 triệu USD) mở thầu mua máy bay không người lái (UAV) cho lực lượng hải quân đánh bộ.
Phát ngôn viên Hải quân Philippines cho biết, theo kế hoạch này, chính phủ Philippines sẽ mua 6 hệ thống điều khiển máy bay không người lái, 9 hệ thống thiết bị điện tử trinh sát mục tiêu, 12 hệ thống con, tích hợp thiết bị cảm biến chiến thuật, cùng các phương tiện dịch vụ hỗ trợ hậu cần. | Lính đặc nhiệm SEALs của Mỹ huấn luyện binh sĩ Philippines cách sử dụng UAV |
Philippines dự kiến trước mắt sẽ bố trí UAV ở tỉnh có an ninh trật tự tương đối tốt là Palawan, để giám sát các hoạt động của hải quân Trung Quốc trên biển Đông. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm tới.
Trong khuôn khổ cuộc tập trận hải quân CARAT 2013, kéo dài từ cuối tháng 6 - đầu tháng 7 vừa qua, lính đặc nhiệm SEALs của Mỹ cũng đã huấn luyện binh sĩ Philippines, cách sử dụng UAV cất cánh từ tàu chiến tại một căn cứ hải quân cách Manila khoảng 13km.
Một quan chức hải quân Mỹ cho biết đó là máy bay không người lái Puma, chủ yếu dùng cho mục đích giám sát, trinh sát chứ không phải loại có khả năng tấn công như đã sử dụng tại chiến trường Afghanistan. Ông cho biết các học viên Philippines rất hứng thú học và nếu được trang bị loại vũ khí này họ sẽ biết sử dụng thành thạo và có hiệu quả.
4. Trực thăng AW-109
Ngày 12/12, phát ngôn viên hạm đội Hải quân Philippines Rommel Rodriguez cho biết, hải quân nước này đã tiếp nhận 3 chiếc đầu tiên trong 5 chiếc máy bay trực thăng mới mua của Italia trị giá 1,33 tỷ peso.
Theo ông Rodriguez, 3 chiếc máy bay trực thăng AW-109 Power của hãng AugustaWestland này đã được bàn giao cho hạm đội Hải quân Philippines để thử nghiệm.
| Trực thăng AW-109 |
Số máy bay trực thăng này sẽ được đặt dưới sự kiểm soát và giám sát của cụm không quân của Hải quân Philippines.
Dự kiến, hai chiếc máy bay trực thăng còn lại, phiên bản vũ trang, sẽ được bàn giao nốt cho Hải quân Philippines vào quý đầu tiên của năm 2014.
Số máy bay trực thăng này sẽ được triển khai trên các khinh hạm BRP Gregorio Del Pilar và BRP Ramon Alcaraz vừa mua của Mỹ. Máy bay trực thăng AW-109 được trang bị một camera hồng ngoại ở phía trước và một thiết bị nhìn đêm, giúp máy bay rất thích hợp cho các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn ban đêm.
5. Máy bay vận tải C-130
Ngày 25/11, Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Philippines Emmanuel Bautista cho biết, nước này đang trong quá trình đàm phán mua thêm 2 chiếc máy bay vận tải C-130 của Mỹ.
Sau khi mua, số máy bay vận tải quân sự C-130 trong biên chế của Không quân Philippines sẽ được nâng lên 5 chiếc. Theo Tổng tham mưu trưởng Bautista, không quân cần đến 9 chiếc máy bay vận tải C-130 mới đáp ứng đủ nhu cầu vận tải quân sự. | Máy bay vận tải C-130 của Philippines |
Ba chiếc máy bay vận tải C-130 hiện đang là lực lượng vận tải nòng cốt của không quân Philippines trong các hoạt động cứu trợ đến các khu vực bị bão Haiyan tàn phá.
"Về vận tải chiến lược, máy bay vận tải C-130 rất quan trọng. Chúng tôi thấy được chúng hữu ích như thế nào trong các thảm họa, thiên tai. Chúng không chỉ được sử dụng cho các hoạt động quân sự mà còn cho các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai", ông Bautista cho biết.
Ngoài ra, ông Bautista còn cho biết thêm rằng, quân đội nước này cũng đang tìm mua hai chiếc tàu vận tải chiến lược.
"Trong số các tàu vận tải, chỉ có 2 chiếc được sử dụng làm tàu đảm bảo hậu cần, vì vậy chúng tôi sẽ mua 2 chiếc tàu vận tải chiến lược. Trong thực tế, chúng tôi cần nhiều hơn nữa và chúng tôi sẽ mua thêm khi nguồn lực cho phép", ông Bautista nói.
6. Chiến đấu cơ FA-50
Tờ Manila Standard Today ngày 7/11 đưa tin, các cuộc đàm phán giữa Manila và Seoul về thỏa thuận mua 12 máy bay chiến đấu Hàn Quốc của Philippines đang tiến triển và sẽ hoàn tất vào đầu năm 2014. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Manalo cho biết, Không quân Philippines sẽ sử dụng loại máy bay FA-50 để tuần tra không phận nước này, đặc biệt là tại khu vực Biển Đông. Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Philippines cho hay nhà sản xuất máy bay, Korea Aerospace Industries của Hàn Quốc đang yêu cầu phía Philippines thanh toán trước 52% khoản tiền trong hợp đồng trị giá 18,9 tỷ peso (khoảng 309 triệu USD) thì họ mới bắt đầu lắp ráp máy bay chiến đấu cho Philippines.
Theo Thứ trưởng Manalo, nếu thỏa thuận trên được hai bên ký kết vào tháng 1/2014, thì Philippines sẽ nhận được 2 chiếc chiến đấu cơ FA-50 đầu tiên sau 18 tháng. Hiện các phi công Philippines đang được huấn luyện tại Hàn Quốc để chuẩn bị cho việc tiếp nhận số máy bay này.
7. 40.000 khẩu carbin R4
Ngày 2/12, công ty Remington của Mỹ công bố, họ vừa được quân đội Philippines trao một hợp đồng ban đầu cung cấp và bàn giao hơn 40.000 khẩu súng carbin R4 cùng với gói phụ kiện và huấn luyện trị giá 47 triệu USD.
Dự kiến, hợp đồng này sẽ bắt đầu được thực hiện ngay trong thời gian tới tại các cơ sở và nhà cung cấp của Remington khắp 20 bang ở nước Mỹ, và sẽ hoàn thành trong năm 2014.
Súng carbin R4 là một biến thể của súng tiểu liên AR-15 có chiều dài nòng 10,5 inch, cỡ đạn 5,56mm, và có tầm bắn hiệu quả 500-600m với tốc độ bắn 800 viên/phút. |