Thông tấn xã Đài Loan ngày 20/7 cho biết Trung Quốc đã phóng thành công 3 vệ tinh nghiên cứu khoa học lên quỹ đạo Trái đất bằng một tên lửa đẩy Trường Chinh 4C. Đây là một bằng chứng cho thấy rằng công nghệ tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn của Bắc Kinh đã đạt độ chín. Các phương tiện truyền thông của Đài Loan cho biết công nghệ phóng nhiều vệ tinh bằng một tên lửa đòi hỏi nhiều yêu cầu về kỹ thuật, bao gồm nâng cao trọng tải của tên lửa, công nghệ tách vệ tinh và ổn định quỹ đạo bay của tên lửa. Tên lửa đạn đạo Dongfeng-31A của Trung Quốc. Hiện chỉ có 5 quốc gia và tổ chức trên thế giới làm chủ được công nghệ phóng đa vệ tinh là Mỹ, Nga, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, công nghệ phóng đa vệ tinh của Ấn Độ được đánh giá là chưa đạt đến độ chín. Tên lửa đẩy phóng đa vệ tinh tương tự như công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đa đầu đạn. Trung Quốc được cho là đang phát triển module MIRV có thể chứa nhiều đầu đạn hạt nhân khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đánh giá rằng các đầu đạn của module có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau trên mặt đất. Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây cho biết Trung Quốc đang cố gắng ứng dụng công nghệ đa đầu đạn cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Dongfeng-31A. Các nghiên cứu liên quan chỉ ra rằng khi số đầu đạn từ 5 đến 15, cơ hội xuyên qua các hệ thống phòng thủ tên lửa là 100%. Điều này đồng nghĩa khả năng ngăn chặn tên lửa đa đầu đạn là bằng không. Tham vọng ứng dụng công nghệ đa đầu đạn cho tên lửa Dongfeng-31A cho thấy Trung Quốc đang tích cực trang bị nhiều loại vũ khí tấn công để phục vụ cho mưu đồ bành trướng và hăm dọa các nước láng giềng, đồng thời còn muốn đe dọa cả Mỹ. Có thể kể đến tên lửa Dongfeng-21 được Trung Quốc huênh hoang gọi là 'sát thủ tàu sân bay', có khả năng tấn công các chiến hạm cỡ lớn của Hải quân Mỹ, đặc biệt là các tàu sân bay Mỹ đang triển khai ở phía Đông Thái Bình Dương. Ngoài ra, mới đây, Trung Quốc còn biên chế máy bay ném bom H-6K và tuyên bố nó có thể tấn công tới cả Hawaii |