Không giống như đời máy bay siêu thanh SR-72 vừa được công bố gần đây, dòng máy bay do thám RQ-180 của hãng Northrop Grumman nhiều khả năng đang trong giai đoạn bay thử nghiệm, theo tạp chí uy tín về công nghệ hàng không là Aviation Week and Space Technology. Bên cạnh các báo cáo tài chính của Tập đoàn Northrop Grumman, Aviation Week công bố những hình ảnh chụp từ vệ tinh xuống trụ sở của hãng này ở Palmdale, bang California và Vùng 51, địa điểm thử các dự án quân sự tuyệt mật của Mỹ. Trong những bức ảnh, các giàn treo đang giữ một chiếc máy bay có sải cánh ít nhất 40m, tức rộng hơn cánh của Boeing 737. Khi được hỏi về sự tồn tại của RQ-180, không quân Mỹ không xác nhận cũng chẳng phủ nhận, mà chỉ nói rằng “không bàn về chương trình trên”. Dòng máy bay do thám tàng hình RQ-180 - (Ảnh: Northrop Grumman)
RQ-180 là thiết kế mới với trọng tâm xoáy vào mục tiêu do thám, tình báo và theo dõi (gọi tắt ISR), được trang bị khả năng tàng hình tránh tầm quan sát của lực lượng phòng không đối địch. Nó là phiên bản thay thế cho dòng RQ-170 Sentinel của Lockheed Martin, được đặt biệt danh “Quái thú Kandahar” sau thời gian dài thực hiện các sứ mệnh ISR từ tỉnh miền nam Afghanistan từ năm 2007. Theo thông tin tình báo, RQ-170 chủ yếu thu thập tin tức tình báo của Iran và Pakistan, nhưng dòng máy bay này có nhiều nhược điểm so với các dòng UAV khác, và có lần còn rơi vào tay quân đối phương. Cụ thể, vào tháng 12/2011, Iran tuyên bố đã tịch thu một chiếc RQ-170 sau khi xâm nhập vào hệ thống điều khiển của nó. Về sự kiện trên, không quân Mỹ chỉ thừa nhận rằng đã mất liên lạc với RQ-170 trên bầu trời miền tây Afghanistan vào lúc đó. Theo giới phân tích, RQ-180 được thiết kế theo hướng cải thiện phần lớn các nhược điểm chí mạng của đời trước, nhất là trong trường hợp phải hoạt động trên không phận thù địch. Theo tờ Aviation Week, RQ-180 có khả năng tàng hình mạnh hơn RQ-170 và động cơ khí động học cải tiến, cho phép không quân Mỹ mở rộng tầm ISR vượt ra ngoài các vùng trời như Iraq và Afghanistan, địa bàn hoạt động của các UAV đời Global Hawk và Predator/Reaper. Không quân Mỹ đã mất đi khả năng xâm nhập vào những vùng trời này sau khi các đời máy bay SR-71 về hưu vào năm 1998. Dòng máy bay trinh sát chiến lược tầm xa SR-71, biệt danh “hắc điểu” chủ yếu dựa vào tốc độ vượt trội, tối đa Mach 3, khả năng hoạt động ở độ cao 24.400m, phối hợp cùng với các tính năng tàng hình khác, để bay qua bầu trời những nước không hề hoan nghênh Mỹ và thu thập tin tức tình báo của đối phương. Việc sử dụng máy bay do thám không người lái cho các sứ mệnh do thám đang tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, hầu hết các công tác gián điệp dạng này thường dựa vào các đời máy bay tốc độ chậm như Global Hawk và Predator. Bên cạnh vận tốc thấp, những dòng máy bay đó khá cồng kềnh và tất nhiên không thể tránh thoát được tầm quan sát của radar. Do vậy, chúng chỉ được triển khai dưới tầm bảo vệ của các máy bay chiến đấu, và hoạt động tại các bầu trời an toàn. Trong khi đó, RQ-180 hứa hẹn sẽ đảm nhiệm các sứ mệnh tầm xa hơn, nhờ vào công nghệ tàng hình tiên tiến. Ngoài dự án RQ-180, Northrop Grumman cũng mới công khai quá trình bay thử dòng máy bay chiến đấu không người lái X-47B, đáp và cất cánh thành công từ tàu sân bay. X-47B chủ yếu đảm nhiệm các sứ mệnh chiến đấu lẫn thu thập tin tức tình báo, và được phát triển do hải quân Mỹ, theo tạp chí Wired. |