banner
TRANG CHỦ TIN TỨC CÔNG NGHỆ PHÁT MINH THẾ KỶ KHOA HỌC GÓC NHÌN 360° SÁNG CHẾ Ý TƯỞNG XANH NĂNG LƯỢNG BÍ ẨN VIDEO
TRANG CHỦ > Công nghệ > Công nghệ quốc phòng Bản in  |  Gửi thư  |  Kênh RSS
Chiến tranh điện tử dữ dội nhất thế giới ở Việt Nam
(www.phatminh.com) Cuộc chiến tranh điện tử mạnh mẽ và dữ đội nhất trong lịch sử tác chiến đã xảy ra trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, là cuộc đối đầu giữa một thế trận phòng không nhân dân nhiều tầng nhiều lớp, với một lực lượng không quân cường kích mạnh nhất thế giới, với mọi loại vũ khí, trang thiết bị vô cùng hiện đại.
Sự phát triển mạnh mẽ tác chiến điện tử Không quân – Không quân Hải quân Mỹ ở Việt Nam

Trong những năm đầu của cuộc chiến tranh đường không lớn nhất trong lịch sử chiến tranh từ sau đại chiến thế giới lần thứ II, lực lượng không quân Mỹ chỉ phải đối phó với lực lượng súng pháo phòng không các cỡ nòng từ súng trường đến pháo phòng không 100 mm.

Chỉ có hệ thống pháo phòng không 57mm được kết nối với radar điều khiển bắn. Do đó, tác chiến điện tử (TCĐT) chỉ nằm trong lĩnh vực sử dụng máy bay trinh sát các độ cao, từ máy bay U-2, SR – 71 đến máy bay trinh sát không người lái.

Sự xuất hiện của hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina đã làm thay đổi tất cả. Chưa bao giờ các phi công Mỹ cảm thấy khủng khiếp khi bay vào bầu trời Hà Nội, số lượng máy bay bị bắn hạ tăng lên đến chóng mặt và buộc Bộ Tổng tham mưu Không quân và Không quân Hải quân Mỹ phải khẩn cấp đối phó.

Những phương tiện chế áp điện tử được nhanh chóng nghiên cứu và chế tạo dựa trên các thông số kỹ chiến thuật của những tổ hợp tên lửa S-75 Dvina do Israel thu được từ liên quân các nước Ả rập.

Đỉnh cao của các hoạt động TCĐT trong cuộc không chiến trên bầu trời miền Bắc là các chiến dịch Linebacker I và Linebacker II vào năm 1972, có sự tham gia với quy mô lớn của máy bay ném bom chiến lược B-52.

Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch mà các hoạt động TCĐT của Không quân Mỹ được triển khai với quy mô lớn nhất, áp dụng những công nghệ hiện đại nhất và thực hiện có hiệu quả cao nhất tính từ thời điểm áp dụng các phương tiện chế áp điện tử chống hệ thống phòng không miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là hệ thống tên lửa S-75 Dvina trong thế trận phòng ngự Hà Nội, Hải Phòng.

Cơ cấu tổ chức của hệ thống TCĐT quân đội Mỹ trong chiến dịch Linebacker II

Trong quá trình tiến hành chiến dịch không kích đường không mang tính chất quyết định cuộc chiến tranh Việt Nam trên cả lĩnh vực chính trị và quân sự. Bộ Tổng tham mưu liên quân quân đội Mỹ đã triển khai trên quy mô rộng lớn các hoạt động TCĐT, xác định hệ thống đồng bộ các hoạt động TCĐT là yếu tố quyết định quan trọng đảm bảo các hoạt động tác chiến của lực lượng không kích đường không. Các hoạt động TCĐT bao gồm có:

- Tìm kiếm và phát hiện tất cả các khí tài radar điện tử của hệ thống phòng không.;

- Chế áp điện tử tất cả các đài radar của các phượng tiện, vũ khí phòng không của Việt Nam;

- Sử dụng các đầu đạn (bom, tên lửa tự dẫn chống radar) tiệu diệt và phá hủy các phương tiện phát sóng radar của hệ thống phòng không.

Các hoạt động TCĐT được triển khai trên tất cả các mục tiêu và mục đích tác chiến ở tầm chiến lược cũng như tầm chiến thuật. Các nhiệm vụ trinh sát chiến lược được thực hiện bởi các máy bay như SR-71, U-2 và RC-135, các nhiệm vụ trinh sát chiến thuật được thực hiện bởi các đài trinh sát điện tử - radar chế độ thụ động, lắp đặt trên tất cả các máy bay chiến lược, chiến thuật và máy bay thuộc không quân hải quân.
 
Các bộ khí tài trinh sát radar được nêu trong bảng sau:

Các đài trinh sát điện tử APR-25 (26), APR-36 (37) và APS-109 cho phép các phi công Mỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không những phát hiện được bị chiếu xạ bằng radar của vũ khí phòng không, mà còn theo các thông số nhận được xác định được loại radar, hướng chiếu xạ radar và khoảng cách từ đài radar đến các máy bay.

Thông tin về radar được truyền đến phi công và cơ trưởng bằng tín hiệu âm thanh và được hiển thị trên màn hình bảng đặc biệt cùng với các đèn tín hiệu. Hướng chiếu tia quét radar và nguồn phát đài radar cũng như khoảng cách đến đài radar được xác định bằng các thông số tín hiệu trên màn hình đặc biệt hiển thị bằng các chỉ số điện từ. Ví dụ như trên đài trinh sát ARR-25 (26) có 4 giải pháp indicator hiển thị tín hiệu:

- Màn hình hiển thị indicator “góc phương vị - tầm xa”;

- Bảng báo hiệu chiếu sáng và tín hiệu đèn nhấp nháy;

- Tín hiệu âm thanh trong tai nghe mũ lái;

- Đồng hồ và kim chỉ mức độ nguy hiểm.

Hướng chiếu xạ của radar được xác định bằng các anten thu thụ động với các vùng thu sóng radar chùm lên nhau, xác suất sai lệch xác định góc phương vị từ 1-2°. Tầm xa của các đài radar có xác suất sai lệch lớn hơn, dựa trên công suất chùm sóng radio chiếu xạ lên máy bay (tính trên những thông số kỹ chiến thuật mẫu về các đài radar của Phòng không Việt Nam) do đó có độ chính xác không cao.

Kiểu loại và tính năng kỹ chiến thuật của các phương tiện phòng không cũng được hiển thị lên màn hình indicator điện từ. Khi máy bay bị chiếu xạ bởi nhiều đài radar khác nhau, hệ thống phụ thuộc vào các thông số của bức xạ radio, độ dài của bước sóng, công suất của chùm sóng hoặc đường truyền xung để xác định các đài radar cũng như góc và hướng phát. Thông tin lần lượt theo mức độ ưu tiên nguy hiểm hiển thị lên màn hình indicator điện tử.

 Máy bay tác chiến điện tử EB – 66.
Máy bay tác chiến điện tử EB – 66.

Thực hiện công tác chế áp điện tử, trên máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay tác chiến điện tử EB – 66 có các đài trinh sát ALR-20. Đài có nhiệm vị xác định tần số phát sóng của các đài radar và hiệu chỉnh các đầu phát xung gây nhiễu, được lựa chọn để chế áp các đài radar.

Như vậy, bằng các trang thiết bị điện tử có trên máy bay, các phi công có khả năng đánh giá được tình hình môi trường điện từ trên chiến trường, xác định mức độ nguy hiểm từ các đài radar theo dõi, radar pháo phòng không và radar tên lửa, từ đó xác định thời điểm lực lượng phòng không mặt đất phóng tên lửa, từ những thông tin nhận được, quyết định các hoạt động cơ động tránh tên lửa hoặc sử dụng vũ khí tên lửa chống radar.

Các hoạt động tác chiến nhằm chế áp điện tử lực lượng phòng không

Không quân và Hải quân Mỹ, trước thế trận phòng không dày đặc của miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là khu vực Hà Nội và Hải Phòng, đã nỗ lực tổ chức và triển khai TCĐT trên quy mô lớn nhất nhằm phá hoại và cắt đứt mọi hoạt động điều hành tác chiến của Bộ Tham mưu lực lượng Phòng không – Không quân, đồng thời giảm đến tối thiếu khả năng chiến đấu của vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu của không quân và phòng không Việt Nam.

Để thực hiện mục đích đó, quân đội Mỹ sử dụng triệt để các phương tiện chế áp bằng gây xung radio nhiễu loạn trong không gian điện từ, gây nhiễu chủ động và rải gây nhiễu thụ động. Số lượng các đầu phát nhiễu radio điện từ phụ thuộc vào loại máy bay và nhiệm vụ chiến đấu được giao.

Trên máy bay ném bom chiến lược B - 52  lắp đặt 15 đầu phát xung điện từ radio gây nhiễu chủ động, trên máy bay tác chiến điện tử EB -66 lắp 12 đầu phát xung gây nhiễu, trên các máy bay chiến thuật có từ 2 – 4 đầu phát. Các đầu phát xung radio gây nhiễu có thể phát xung che phủ một dải tần số từ 40 đến 10500 MHz .

Thiết bị gây nhiễu tập trung nhiều vào dải tần số hoạt động của các tổ hợp khí tài điện tử radar trinh sát tầm xa, radar điều khiển và dẫn bắn tên lửa phòng không, pháo phòng không và radar dẫn đường máy bay tiêm kích của quân chủng Phòng không Không quân.

Hoạt động chế áp điện tử nhằm vào các loại radar như P -12, P- 15, P-35, PRV 11, đài điều khiển và dẫn đường tên lửa RSNA – 75M, đài điều khiển hỏa lực phòng không SON – 9, đài radar theo dõi, ngắm bắn mục tiêu của máy bay tiêm kích RP – 21M, các đài vô tuyến R – 405 và tổng đài tác chiến R – 109. Trên các máy bay B-52 và máy bay TCĐT EB -66 lắp đặt các đài phát gây nhiễu các rãnh đạn RSNA – 75M, trên các máy bay chiến thuật không lắp đặt các loại này.

Gây nhiễu thụ động chủ yếu sử dụng các cuộn dây bạc lượng cực phản xạ sóng radar, che chắn các dải tần số có bước sóng cm, dm, m. Gây nhiễu thụ động thường được máy bay chiến thuật F-4 Phantom thực hiện bằng các avtomat và các thùng container dây băng gây nhiễu.

Các chùm dây băng gây nhiễu thụ động này được sử dụng để che chắn và ngụy trang đội hình không kích của máy bay ném bom chiến lược, chiến thuật và không quân hải quân, đồng thời cũng được dùng để tự vệ ngụy trang trước nguy cơ bị tên lửa phòng không bắn rơi. Hệ thống các bộ khí tài gây nhiễu được tổ chức như sau:

- Hệ thống khí tài gây nhiễu chủ động (nhiễu loạn sóng radio chủ động chế áp các đài radar được phát từ các máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến thuật, máy bay TCĐT EB – 66 và các chiến hạm thuộc hạm đội 7 đang hoạt động ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.

- Các đài gây nhiễu các rãnh đạn tên lửa S- 75M bằng sóng radio được lắp trên các cụm máy bay tập kích chiến thuật đường không và máy bay yểm trợ, nghi binh và chi viện thuộc Không quân và Không quân hải quân Mỹ;

- Các loại nhiễu thụ động (dây băng gây nhiễu lưỡng cực) được lắp đặt trên các máy bay chiến lược,  chiến thuật và các máy bay không quân hải quân.

Trong các đợt tấn công ồ ạt bằng máy bay ném bom chiến lược, các cụm không kích máy bay chiến thuật, đòn tấn công gây nhiễu được bắt đầu bằng các máy bay TCĐT.

Nguyên tắc tổ chức thực hiện như sau: Trước 15-20 phút bắt đầu tấn công, các máy bay tác chiến điện tử gây nhiễu chủ động (Không quân  - ЕВ-66, Không quân Hải quân - ЕА-6В và ЕКА-ЗВ), tiếp cận vùng trời Vịnh Bắc Bộ và Lào và bắt đầu gây nhiễu chiến thuật, 10-16 phút sau cuộc không kích, các máy bay TCĐT dừng phát xung radio gây nhiễu.

Vùng TCĐT của máy bay EB – 66 thông thường nằm trên hướng bay không kích của máy bay B- 52 vào mục tiêu. Các máy bay TCĐT bay theo 1 quỹ đạo chiến đấu trên độ cao từ 6 – 7 km mỗi tốp thường từ 2 – 3 máy bay. Trên hướng Thái Lan – Lào các máy bay bay ở khoảng cách đến biên giới Việt Nam từ 60 – 80 km trên vùng trời Sầm Nưa; từ hướng căn cứ Guam – Vịnh Bắc Bộ - 50 – 60 km cách bờ biển.

Mỗi tốp máy bay TCĐT Mỹ được bảo vệ và che chắn bởi một biên đội máy bay tiêm kích (1 – 2 chiếc). Tần số phát sóng radio gây nhiễu của EB – 66 nằm trong dải tần tử 40 – 3500 MHz. Các máy bay chiến thuật như F -4, F -105 trong đội hình chi viện và yểm trợ cho máy bay B-52 cũng được trang bị các bộ khí tài gây nhiễu chủ động.

Các máy bay này được lắp đặt 4 container gây nhiễu chủ động ALQ-87 hoặc  ALQ-101, gây nhiễu radar trong một hoặc hai chế độ. Ở chế độ chế áp sóng radar SNR tìm kiếm, phát hiện mục tiêu và dẫn đường đạn trên tần số 40-50 MHz của các đài radar tên lửa, pháo phòng không và radar trinh sát mục tiêu tầm xa. Khi máy bay không bị chiếu xạ bằng radar (thoát khỏi vùng theo dõi) của radar.

Chế độ thứ hai là chế độ phát xung radio ngăn chặn phát hiện và theo dõi của các radar tầm xa trên tần số bước sóng từ 200-300 МHz. Chế độ này được bật khi máy bay bay vào vùng chiến đấu của các đài radar phát hiện mục tiêu, không phụ thuộc vào tình huống bị chiếu xạ hay không. Hệ thống điều khiển các bộ khí tài gây nhiễu được tự động hóa hoặc phi công sẽ điều khiển trên chế độ “bật – tắt” khi bước vào cuộc không kích.

 Sơ đồ gây nhiễu thụ động của máy bay B-52 và máy bay chiến thuật.
Sơ đồ gây nhiễu thụ động của máy bay B-52 và máy bay chiến thuật.

 

Phương pháp gây nhiễu chiến thuật của không quân Mỹ

Gây nhiễu thụ động trong các trường hợp không kích ồ ạt bằng máy bay chiến lược được thực hiện bởi chính các máy bay ném bom B-52 hoặc các cụm máy bay chiến thuật của Không quân hoặc không quân hải quân. Rải nhiễu thụ động lưỡng cực được tiến hành bởi các tốp máy bay trinh sát hỏa lực chiến thuật trong khoảng từ 10 – 15 phút trước khi máy bay ném bom chiến lược B-52 tiếp cận mục tiêu.

Khu vực triển khai gây nhiễu thụ động được lựa chọn theo hướng tiếp cận mục tiêu của máy bay ném bom, thời gian dự kiến các máy bay ném bom sẽ bay vào vùng hỏa lực của tên lửa hoặc pháo phòng không và độ cao gây nhiễu phụ thuộc vào độ cao quỹ đạo bay của máy bay B-52.

Thông thường, các tốp máy bay F-4D và F-4E sẽ gây nhiễu ở khoảng cách từ 40 – 50 km đến mục tiêu không kích dọc theo đường bay của máy bay ném bom và gây nhiễu dày đặc ở khu vực mục tiêu. Một phi đội từ 4 – 8 máy bay sẽ tạo một hành lang nhiễu dày đặc khoảng 30 km và có chiều rộng từ 4 – 6 km.

Các máy bay gây nhiễu bay theo tốp 4 chiếc, 2 tốp bay 8 chiếc dàn hàng ngang với khoảng cách từ 600 – 800 m ở độ cao 6 – 7 km. Thời gian phóng các thùng nhiễu giãn cách từ 3 – 5 giây. Khi rơi khỏi máy bay, phút chốc các thùng nhiễu sẽ bị kích nổ tự động, các bó nhiễu được tung dày đặc trong không gian.

Trong khoảng từ 4 – 5 giây, các bó nhiễu thụ động dưới tác dụng của các dòng không khí, tạo ra trên màn hình các loại radar tín hiệu tương tự như tín hiệu bắt được từ mục tiêu. Khi máy bay ném bom B-52 bay đến khu vực gây nhiễu, trên màn hình radar hình thành các sọc tín hiệu nhiễu dày đặc, gây khó khăn cho việc tìm kiếm, phát hiện mục tiêu và xác định tình huống không tập.

Tên lửa chống radar Shrike

Để tăng cường khả năng chế áp điện tử, không quân Mỹ đã thành lập các đơn vị không chiến với radar, mỗi phi đội không kích radar được biên chế từ 4 – 6 máy bay chiến thuật hoặc không quân hải quân (F-105G và F-105D, có thể là F-4C, А-4, А-6А, А-7Е và F-8).

Tập kích các đài radar được thực hiện bằng các tên lửa điều khiển tự dẫn bằng sóng radar tên lửa như AGM-45 " "Shrike" và  AGM-78 " Standard ARM". Các loại tên lửa chống radar được sử dụng để chống radar điều khiển hỏa lực của tên lửa S-75M Dvina, radar điều khiển hỏa lực SON – 9 và các đài radar trinh sát P-35, PRB – 11.

   Sơ đồ tấn công radars bằng tên lửa chống radars Shrike
Sơ đồ tấn công radar bằng tên lửa chống radar Shrike

Phương thức tác chiến tấn công các đài radar tên lửa như sau. Các máy bay mang tên lửa chống radar bay ở khoảng cách từ 15 đến 20 km cách khu vực tấn công của B-52 trên độ cao trung bình, các phi công có nhiệm vụ công kích radar đều là những phi công lão luyện trong điều khiển tên lửa chống radar và có kỹ năng cơ động tránh tên lửa tốt.

Khi khí tài trinh sát phát hiện có chiếu xạ radar, thông tin đường truyền tải vào đầu dẫn tên lửa, tên lửa được phóng chậm nhất là sau 10 – 15 giây khi bắt được tín hiệu khóa sóng radar của đài phát. Các máy bay chống radar chỉ có thể phóng tên lửa ở chế độ bay ổn định trên mặt phẳng ngang, độ cao bay là 2 – 4 km. Các trạng thái phóng tên lửa khác không được áp dụng.

Tên lửa Shrike được phóng từ khoảng cách tính đến đài radar là từ 15 – 35 km với mục đích sao cho các trắc thủ tên lửa phòng không khó phát hiện được tên lửa Shrike tấn công.

Tên lửa Shrike giai đoạn này không có hiệu quả tác chiến cao khi nhiều đài phát xung radar cùng hoạt động trong bán cầu đầu thu phía trước của tên lửa, đồng thời hoàn toàn mất phương hướng khi tin hiệu radars bị ngắt, chính vì vậy, hiệu quả tác chiến của Shrike không cao, trong suốt chiến dịch Linebacker II chỉ có 1 đài radar điều khiển tên lửa và hai radar đo độ cao PRV – 11 bị đánh trúng.   

Trong chiến dịch Linebacker II, tin tưởng vào khả năng chế áp điện tử của các phương tiện tham gia tác chiến, quân đội Mỹ đã điều động một số lượng khổng lồ các phương tiên bay tham gia cuộc không kích có tính chất quyết định cuộc chiến tranh này.

Trên vùng trời Hà Nội và Hải Phòng, Mỹ điều động 1800 lần xuất kích máy bay chiến đấu, trong đó có 390  máy bay В-52, gần 1200 máy bay chiến thuật và máy bay thuộc Không quân hải quân, 70 máy bay cường kích tầm thấp F-111A và 150 máy bay trinh sát điện tử quang ảnh  SR-71, 147J, RF-4C и RA-5C.

Chống tác chiến điện tử

Trước khi bắt đầu chiến dịch Linebacker II, trong các trận chiến đấu chống B-52, lực lượng phòng không Việt Nam đã phát hiện ra dải tần số và cường độ của loại nhiễu này.

Từ các phát hiện trên, đã hình thành tập tài liệu “Cách đánh B-52” các chuyên gia Liên Xô (cũ) và các kỹ sư quân sự Việt Nam đã khắc phục bằng phương pháp "át nhiễu", nâng công suất sóng hồi xung của đạn và sóng điều kiển đạn lên gấp ba lần, đủ sức vượt qua cường độ nhiễu không chỉ của loại ALQ-71 mà còn cả các loại máy gây nhiễu cùng tính năng có công suất lớn hơn như ALQ-101, ALQ-107.

Từ năm 1968 đến năm 1973, các loại máy gây nhiễu rãnh đạn kiểu ALQ-x của không lực Hoa Kỳ trở nên vô hiệu đối với S-75 Dvina.

Những thay đổi được ghi nhận trên tổ hợp SAM-2 là việc các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với chuyên gia Xô viết thay đổi tần số điều khiển rãnh đạn giúp đạn tên lửa khó bị gây nhiễu bởi các thiết bị đối kháng điện tử chủ động và thụ động (trong giai đoạn 1965-1972, chuyên gia ta phối hợp với kỹ sư Liên Xô đã 5 lần thay đổi tần số rãnh đạn).

Phương pháp bắn ba điểm - sáng tạo sử dụng vượt tính năng khí tài của người Việt Nam

Thông qua thực tế chiến đấu, Bộ đội Tên lửa Việt Nam đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm để đối phó với màn nhiễu của không quân quân Mỹ và phương pháp vạch nhiễu tìm thù, lấy điểm yếu của địch làm lợi thế của ta.

Giai đoạn đầu của chiến dịch không kích, các đơn vị trắc thủ tên lửa hầu như không nhận biết được mục tiêu do các loại nhiễu dày đặc đã hoàn toàn ảnh hưởng đến khả năng quan sát chế độ thụ động của radar tên lửa (Radar cảnh giới kiêm dẫn đường P-35 Saturn, P-12 "Spoon Rest", đài radar cảnh báo sớm dải sóng VHF, tầm hoạt động 200 kilômét,  P-15 "Flat Face C" radar cảnh giới và bắt mục tiêu, chống mục tiêu bay thấp băng C, công suất 380 kW, tầm hoạt động 250 km/155 dặm).

PRV-11 "Side Net" radar đo độ cao mục tiêu). Đồng thời, các trắc thủ tên lửa do nguy cơ tấn công của tên lửa chống tên lửa phòng không, đã không thể sử dụng sóng radar phát chủ động để tìm kiếm mục tiêu.

Qua tổng kết kinh nghiệm đánh trận đầu tiên, lực lượng phòng không Việt Nam đã phát hiện một vấn đề: bản thân máy bay B-52 cũng tự gây nhiễu chủ động, từ đặc điểm này có thể xác định được các tốp máy bay B-52 bay vào, từ đó quyết định phương pháp tấn công mục tiêu:

Nhiễu chủ động của В-52, chế áp trên dải tần số đài điều khiển SNRA -75M "Fan Song" có thể được phát hiện ở khoảng cách 180 – 200 km. Trên khoảng cách 60 – 70 km sĩ quan điều khiển có thể nhìn thấy 1 dải nhiễu rất lớn và các dải nhiễu nhỏ hơn, điều chỉnh độ nét, các trắc thủ giảm dải nhiễu xuống còn 3 – 3,5 độ.

Trên khoảng cách 40 – 50 km, dải nhiễu mở rộng ra đến 6 – 7độ. Trên mặt phẳng góc phương vị dải nhiễu được chia ra thành 3 sọc sáng 3 – 3,5 độ, trên góc tà không chia, hoặc chia thành 2 sọc.

Những đặc điểm của nhiễu B-52:

1.Khi các máy bay B-52 vào không kích, cùng lúc địch gây nhiễu mạnh trên toàn bộ các dải tần số hoạt động của các trang thiết bị điện tử radio và cả sóng cực ngắn.

2. Dải nhiễu của các tốp máy bay B-52 ổn định về độ rộng, độ sáng và cường độ công suất hơn so với các máy bay chiến thuật. Do máy bay B-52 bày theo đường bay thẳng, có độ cao ổn định (9-12km) và tốc độ ổn định (220 – 230 m/s).

3. Quỹ đạo đường bay của máy bay B052 rất ổn định, tốc độ bẻ góc của B-52 theo góc phương vị  khoảng 0,2 độ/s trong khoảng cách từ 30 – 100 km, do đó tốc độ thay đổi tần số dải nhiễu cũng rất ổn định.

4. Đuôi của dải nhiễu В-52 nếu so sánh với máy bay chiến thuật, để lại dấu vết lâu hơn.

5. Công suất của các đài phát xung gây nhiễu của В-52 rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến tín hiệu điều khiển tên lửa (nhiễu rãnh đạn). Theo các thông số của lực lượng phòng không, máy phát gây nhiễu ALT-28 tạo dải nhiễu trên mặt phẳng thẳng đứng là 20 – 25 độ, chiều rộng của dải nhiễu trên mặt phẳng ngang là 15 độ. Hiệu suất cao nhất của dải nhiễu nằm ở khoảng cách từ 24 – 25 km với độ cao máy bay là 10 – 12 km.

Từ những nhận định theo kinh nghiệm đã nếu, kíp trắc thủ xe điều khiển đã lựa chon phương thức bắn kết hợp 3 điểm TT và phương pháp bắn vượt nửa góc PC. Trong phương án bắn phối hợp này, sĩ quan điều khiển sau khi đã xác định dải nhiễu B-52 chuyển thông tin mục tiêu cho kíp trắc thủ radar. Phương pháp phóng tên lửa diệt mục tiêu B-52 được thực hiện như sau:
 
Kíp trắc thủ sau khi xác định mục tiêu tốp B-52 đang hướng về khu vực ném bom cần tiêu diệt. Trên khoảng cách 40 – 45 km tiến hành 1 lần phóng giả (nghi binh) nhằm xác định chính xác mục tiêu cần tiêu diệt và loại trừ nguy cơ Shrike. Sau đó tắt phát sóng chủ động của SNR và bám mục tiêu thụ động (hướng vào tâm điểm của vùng nhiễu được nhận định là B-52.

Bật phát sóng chủ động khi mục tiêu đã vào vùng phóng tên lửa 28 – 34 km trong khoảng 5 – 7 giây nhằm xác định tình huống và điều kiện nhiễu, đặc biệt đánh giá sự hiển diện của nhiễu thụ động trong khu vực tên lửa gặp mục tiêu.

Tên lửa được phóng lên và điều khiển theo phương pháp 3 điểm (TT) trong điều kiện SNR tắt phát chủ động nhằm đảm bảo không bị công kích bởi tên lửa Shrike. Bật phát chủ động trong khoảng thời gian từ 15 – 18 giây trước khi tên lửa gặp mục tiêu cho phép trong điều kiện phát hiện được tín hiệu mục tiêu trên nền nhiễu, có thể chuyển sang chế độ dẫn PS (vượt nửa góc) đồng thời bắt mục tiêu ở chế độ tự động, chế độ điều khiển tay quay và hỗn hợp (phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng xác định tín hiệu mục tiêu trong nhiễu xạ mạnh.

Về căn bản, phương pháp bắn 3 điểm là hình thức cải tiến của phương thức bắn Vượt nửa góc với việc bỏ chế độ dẫn tự động sang dẫn đạn tên lửa bằng tay bám theo nguồn nhiễu do trắc thủ trực tiếp thực hiện. Khi tới cự ly tiêu chuẩn, đạn tên lửa sẽ đươc kích hoạt đầu tự dẫn để tìm kiếm, khóa và tiêu diệt mục tiêu.

Điểm khó của phương thức này là việc vạch nhiễu, xác định đúng đâu là nguồn nhiễu của máy bay B-52 và đâu là nhiễu do máy bay chiến thuật tạo ra. Sau khi tên lửa đã chạm mục tiêu và phát nổ. Trắc thủ radar tắt nguồn phát và quay radar sang hướng khác, loại trừ tên lửa Shrike.

Một cải tiến mới cũng được đưa vào cho tên lửa nhằm chống nhiễu, đo là khởi động hệ thống tự dẫn và khởi động hệ thống kích nổ phi tiếp xúc trên khoảng cách ngắn hơn so vơi trước đây. Chế độ tự dẫn được khởi động hiệu quả nhất ở khoảng cách đến mục tiêu Rs là 8 – 15 km.

Do dải nhiễu của B-52 kéo dài đến 25 km và dày đặc ở khu vực mục tiêu, do đó, nếu chế độ tự dẫn được bật muộn hơn 8 km, hiệu suất theo bám mục tiêu bị giảm đáng kể, nếu khoảng cách bật chế độ tự dẫn tên lửa lớn hơn 15 km, tên lửa sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiễu thụ động, kết quả tiêu diệt mục tiêu bằng 0. Với chế độ tự dẫn lớn hơn hoặc bằng 8 km.

Xác suất tiêu diệt là 0,25. Đồng thời cũng có sự thay đổi trong chế độ khởi động bộ phận kích nổ. Bộ phận kích nổ được khởi động trong khoảng cách từ 5 – 7 km đến mục tiêu. Do nhiễu xạ thụ động thường dày đặc ở tầm cao 6 – 8 km. Nếu bộ phận kích nổ khởi động theo nguyên lý chế tạo là 11,5km, tên lửa sẽ bị kích nổ khi xuyên qua tầng nhiễu thụ động. Việc kích nổ muộn hơn cũng giảm tỷ lệ ảnh hưởng của nhiễu thụ động.

Trong chiến tranh đất đối không tại Việt Nam (1965-1972), do ưu thế gần như áp đảo của không quân Mỹ nên các đơn vị phòng không Việt Nam phải thực hiện chiến thuật cơ động và nghi binh cho tên lửa phòng không. Theo điều lệnh tác chiến của lực lượng phòng không Liên Xô (cũ), mỗi tiểu đoàn S-75 Dvina (kể cả loại S-75B Volkhov) đều cần từ 1 đến 2 trận địa dự bị trong phạm vi bán kính cơ động 5 đến 10 km.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, mỗi tiểu đoàn tên lửa phòng khống phải có  từ 4 đến 6 trận địa dự bị ở phạm vi cơ động có thể lên đến hàng trăm km trên nhiều loại địa hình khác nhau. Sau mỗi trận đánh, toàn bộ khí tài được tháo dỡ, thu gom trong vòng chưa đến 1 giờ và được di chuyển ngay đến trận địa mới.

Tại trận địa cũ, dân quân tự vệ  dựng lại  bộ khí tài giả làm bằng tre và cót, được sơn phết giống như thật. Do Shrike có hiệu quả thấp, máy bay cường kích chi viện hỏa lực đã tập kích dữ dội  vào các trận địa không người. Do đó, mặc dù có số lượng không lớn nhưng hầu hết các đơn vị của tên lửa phòng không Việt Nam vẫn tránh được những đòn đánh hủy diệt của không quân Hải quân Mỹ, bảo toàn được lực lượng.
 
Trận không chiến 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", Lực lượng tên lửa phòng không đã phối hợp sử dụng đài radar K8-60 của pháo phòng không 57mm quét tập trung để xác định chính xác các tốp B-52 (không quân Mỹ không để ý tới tần số phát của đài radar dạng này với chủ quan rằng chúng không có khả năng gây hại tới B-52) cung cấp thông tin cho đài radar dẫn bắn Fan Song E (radar điều khiển hỏa lực của tổ hợp SAM-2) để dẫn bắn trúng vào các tốp B-52 của địch khi tần số radar của tổ hợp tên lửa SA -75 bị gây nhiễu nặng.

Ngoài ra, đài radar Fan Song được trang bị hệ thống kính tiềm vọng TZK- tổ hợp PA-00  cung cấp thông tin đồng bộ với hệ thống quan sát bằng ra-đa (phương thức so kim) cho phép SA-75 khai hỏa vào mục tiêu trong điều kiện nhiễu nặng, không thể xác định được mục tiêu.

Theo lời nhiều trắc thủ đã trực tiếp chiến đấu đánh B-52 trong chiến dịch 12 ngày đêm, tổ hợp PA-00 với tầm quan sát chỉ 12km, nhưng do không thể bị gây nhiễu (quan sát trực tiếp bằng mắt) đã đóng góp rất lớn vào việc tiêu diệt các máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ.

Hai ngày đầu tiên, lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam chống lại 5 đợt tấn công ồ ạt của máy bay ném bom chiến lược. Trong hai đêm đó, hiệu quả tác chiến tương đối thấp, chỉ đạt 0,09, trong 4 máy bay B – 52 bị bắn rơi, trung bình tiêu hao là 19 tên lửa. Nhưng cũng nhờ những kinh nghiệm của 2 đêm tác chiến đầu tiên, lực lượng phòng không Việt Nam đã nâng cao hiệu suất phóng tên lửa lên đến 0,27, tỷ lệ tên lửa trên một máy bay B-52 rơi là 6,6.

Một đơn vị bị trúng tên lửa Shrike do trắc thủ đã phạm sai lầm khi sử dụng chế độ phát chủ động của radar SNR. Do quá bám mục tiêu, đã chiếu xạ B-52 đến 80 giây với cường độ phát xung rất cao. Thực hiện yêu cầu chiến thuật chống Shrike, chỉ bật phát chủ động trong 18 – 20 giây nên các đơn vị tên lửa còn lại, hầu hết Shrike đều rơi cách trận địa từ 2-3 km.

Thống kê cho thấy, hiệu quả tác chiến cao trong môi trường nhiễu tổng hợp của đối phương rất mạnh cùng với những đợt tấn công khốc liệt các trận địa tên lửa của máy bay chiến thuật Mỹ đã khẳng định, tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp SA-75M Dvina rất tốt, các kíp trắc thủ tên lửa đã được huấn luyện thuần thục khai thác sử dụng triệt để mọi khả năng của radars, tên lửa đồng thời có kỹ năng tác chiến hoàn hảo, bình tĩnh dũng cảm và sáng tạo trong từng lần phóng tên lửa.

Một đóng góp to lớn trong chiến dịch chống không kích đường không trong điều kiện tác chiến điện tử rất mạnh là khả năng cơ động và đảm bảo cơ sở vật chất, đạn tên lửa kịp thời trong trận đánh của các đơn vị hậu cần – kỹ thuật binh chủng.  

Các lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội đã chặn đứng 25 đợt tấn công ồ ạt của máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến thuật của đối phương. Tiến hành phóng đạn 181. Kết quả đã tiêu diệt 54 máy bay, trong đó có 31 В-52, 13 F-4, 10 А-6 và А-7.

Với máy bay ném bom В-52 đã phóng 135 lần (74% tổng số tên lửa), tiêu hao 244 tên lửa. Hiệu suất chiến đấu đạt 0,23. Tiêu hao để diệt 1 máy bay B-52 là 7,9 tên lửa.

Có 46 lần phóng tên lửa tấn công tiêu diệt máy bay chiến đấu cấp chiến thuật và không quân hải quân (26% tổng số các lần phóng), tiêu hao 77 tên lửa , bắn rơi 23 máy bay. Hiệu quả tác chiến đạt  0,5 với tỷ lệ tiêu hao 3,3 tên lửa trên 1 máy bay.

Chiến dịch Linebacker II là một chiến dịch lớn chưa từng có trong các chiến dịch TCĐT mà quân đội Mỹ và các nước trên thế giới tiến hành. Mật độ trang thiết bị tác chiến điện tử cũng lớn nhất từ trước đến tận ngày nay. Hầu hết các lần phòng đạn đều phải tiến hành trong điều kiện nhiễu tổng hợp và dày đặc (chiếm 76%).

Tổng kết chung hiệu quả tác chiến trong điều kiện gây nhiễu chế áp mật độ dày đặc là 0,47. Đây là hiệu quả tác chiến cao nhất trong sử dụng tên lửa phòng không đánh trả các cuộc tập kích đường không. Một cuộc tập kích số lượng lớn đã phải hủy bỏ nửa chừng do ngay từ khi bắt đầu trận đánh, số lượng máy bay đã bị tiêu diệt quá lớn.

Hiệu suất tác chiến cao đối với máy bay cấp chiến thuật do điều kiện tác chiến tốt hơn, máy bay địch bay ở tầm thấp hơn tầm nhiễu thụ động, các đài gây nhiễu trên máy bay không nhiều, máy bay cơ động nhanh, phức tạp nên nhiễu chủ động không che chắn được mục tiêu. Trong 46 lần phóng tên lửa có tới 18 lần phóng tiêu diệt máy bay ở độ cao thấp (39%) dưới 1 km.

Chiến dịch “12 ngày đêm” trên bầu trời Hà Nội, nhìn từ góc độ kỹ chiến thuật có thể thấy: vị thế của tác chiến điện tử nói chung, chế áp điện tử và chống chế áp điện tử nói riêng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

Ngay từ thời điểm bắt đầu, các phi công B-52 Mỹ được thông báo cuộc không kích “như một cuộc dạo chơi trên bầu trời đêm Hà Nội” do sự quá tin của lực lượng Không quân Mỹ về năng lực TCĐT cũng như sự hiểu biết về hệ thống phòng không đối phương.

Chủ quan đã dẫn đến một kết cục thảm bại bất ngờ. Nhưng cũng có thể khẳng định rằng, nếu TCĐT của không quân Mỹ mà yếu hơn thì thảm họa không thể đoán trước được. Từ những bài học về chế áp điện tử cho thấy, TCĐT không đơn thuần là cuộc đối đầu giữa công nghệ và công nghệ, đây là sự đối đầu giữa công nghệ hiện đại và ý chí, sự thông minh sáng tạo của con người.

Bằng sự sáng tạo của mình, lực lượng Phòng không nói chung và phòng không tên lửa nói riêng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chiến tranh hiện đại là cuộc chiến tranh điện tử công nghệ cao, ai không làm chủ được trong lĩnh vực công nghệ này, người đó chắc chắn thất bại. Năng lực TCĐT và phương tiện, khí tài chiến đấu phải được nâng cấp, hiện đại hóa, phát triển toàn diện trong các quân binh chủng.

Số lượng và tính năng kỹ chiến thuật phải có đủ khả năng chống trả các cuộc tấn công điện tử ồ ạt quy mô lớn trong không gian điện từ. Điều đó đòi hỏi tăng cường rèn luyện lực lượng, nắm chắc và sử dụng thuần thục khí tài TCĐT hiện có trong tình huống điện từ trường phức tạp nhất, phải có được những hệ thống sản phẩm “nội địa” (tự thiết kế - sản xuất) nhằm đảm tính bảo mật cao nhất, đồng thời có thể phát huy thế mạnh ở cách đánh sở trường và kinh nghiệm chiến đấu để bảo vệ vững chắc Thành đồng Tổ Quốc.

(Nguồn: baodatviet.vn )
Thảo luận cho chủ đề này:
Hiện chưa có thảo luận cho chủ đề này!
Gửi thảo luận mới:
 Họ và tên
 Email
Mã kiểm tra 
TIN CẬP NHẬT MỚI NHẤT:
Nga phát triển giáp tàng hình, vô hiệu hóa đạn chống tăng (16/12/2015)
Tàu sân bay trực thăng mạnh nhất thế giới của Hải quân Liên Xô (15/12/2015)
Nga thử nghiệm tên lửa không gian đầu tiên kể từ thời Xô viết (18/7/2014)
Công đoàn Quốc phòng: Khẳng định vai trò công đoàn trong quân đội (13/3/2014)
’Huyền thoại đánh chặn’ MiG-31 vẫn được bay (27/12/2013)
Không cho phép lực lượng thù địch hại an ninh quốc gia (27/12/2013)
Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa tác chiến điện tử (27/12/2013)
Trực thăng CH-47D và món lợi cho Mỹ-Hàn (27/12/2013)
Cập nhật: Tàu ngầm Hà Nội cập cảng Cam Ranh ngày 30/12 (27/12/2013)
Cam Ranh đã sẵn sàng đón tàu ngầm Kilo Hà Nội (27/12/2013)
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Bangladesh quyết định mua tàu ngầm nhiều tai tiếng của TQ (22/12/2013)
Hải quân Nga chuẩn bị nhận siêu tàu ngầm mới (22/12/2013)
Tàu tên lửa tương tự của Việt Nam bị thải (22/12/2013)
Vì sao B-52 hiên ngang bay qua Vùng nhận diện phòng không? (22/12/2013)
Vì sao Ấn Độ, Việt Nam chê lô 18 chiếc Su-30K Nga? (22/12/2013)
Lựa chọn của Việt Nam trong phát triển UAV thế giới (22/12/2013)
Hải quân VN làm chủ phi cơ ”xịn” bậc nhất thế giới (22/12/2013)
Báo Trung Quốc nhận xét về sức mạnh quân sự Việt Nam (22/12/2013)
Pháo binh – tên lửa phòng thủ bờ biển – hải đảo (22/12/2013)
Biển Đông, Hoa Đông - vùng nóng 2013 (22/12/2013)
Tàu ngầm Kilo trong chủ quyền biển đảo Việt Nam (21/12/2013)
Hải quân Việt Nam tập trận chung với ASEAN+8 (21/12/2013)
Mục tiêu của tàu ngầm Việt Nam trên Biển Đông (21/12/2013)
Việt Nam bắt đầu sản xuất ’sát thủ diệt hạm’ Kh-35UV? (21/12/2013)
Nga phát triển biến thể ’thợ săn đêm’ Mi-28N tàng hình (21/12/2013)
  Xin chào,
  Mời bạn Đăng nhập hoặc Đăng ký thành viên
win 10 - phải
honda
Robocon 2015
Báo Trung Quốc nhận xét về sức mạnh quân sự Việt Nam
Máy bay hiện đại nhất Việt Nam luyện tập chiến đấu
Siêu tên lửa Ấn Độ chưa có đất dụng võ
Việt Nam bắt đầu sản xuất 'sát thủ diệt hạm' Kh-35UV?
Nga thử nghiệm tên lửa không gian đầu tiên kể từ thời Xô viết
Tàu sân bay trực thăng mạnh nhất thế giới của Hải quân Liên Xô
Phat minh thien tai
Chiếc máy bay đầu tiên
Xe điện của Nissan đạt vận tốc 300 km/giờ
Tương lai của chất dẻo sinh học sẽ ra sao?
10 nhà khoa học lỗi lạc nhất trong lịch sử
Iran đã sản xuất 4 loại thuốc nano cho bệnh nhân ung thư
Công nghệ tự chẩn bệnh nhờ ráy tai
9 cách xử lý côn trùng cắn từ những vật dụng sẵn có
Những phát minh nổi tiếng thế giới của người Việt
vu khi - khi tai
Yamaha 1
Sáng Tạo Việt