Vào
tháng trước các nhà vật lý của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu
(CERN) bắn 15.000 luồng hạt neutrino bằng máy gia tốc hạt lớn từ Geneva
tới phòng thí nghiệm Gran Sasso tại Italy. Khoảng cách từ điểm bắn các
hạt neutrino tới điểm đích của chúng là 732 km. Trong quá trình đo vận
tốc các luồng hạt neutrino, một nhà vật lý vô tình nhận thấy tốc độ của
chúng lớn hơn 60 phần tỷ giây so với tốc độ ánh sáng.
Hình ảnh thí nghiệm hạt neutrino di chuyển nhanh hơn ánh sáng
>>> Xem Video
Hôm qua CERN tuyên bố họ sẽ lặp lại thí nghiệm bắn hạt neutrino để kiểm chứng vận tốc của nó.
Lần này nhóm chuyên gia vật lý bắn hạt
proton, chứ không phải hạt neutrino, bằng máy gia tốc hạt lớn. Sau hàng
loạt tương tác phức tạp, các hạt neutrino được sinh ra từ luồng hạt
proton và đâm xuyên qua lớp vỏ trái đất để tới Gran Sasso.
“Trong vài ngày qua chúng tôi đã bắn
luồng hạt từ Geneva tới Gran Sasso. Việc đó sẽ cho phép các nhà vật lý
lặp lại các thao tác đo, loại bỏ những sai lầm mang tính hệ thống có thể
phát sinh”, tiến sĩ Sergio Bertolucci, giám đốc nghiên cứu của CERN, cho hay.
Ông Bertolucci cho rằng thực hiện lại thử
nghiệm là việc cần thiết do mức độ quan trọng của phát hiện. Nó sẽ dập
tắt những lời chỉ trích và cho phép các nhà vật lý phân tích kết quả thử
nghiệm trước khi công bố rộng rãi.
Tốc độ ánh sáng (299.792 km/giây) được
coi là giới hạn tốc độ trong vũ trụ. Trong thuyết tương đối hẹp (hay
thuyết tương đối đặc biệt), được công bố vào năm 1905, Albert Einstein
nói không có bất kỳ vật chất nào trong vũ trụ có thể di chuyển nhanh hơn
tốc độ của ánh sáng (299.792 km/giây) trong môi trường chân không.
Nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới
tỏ ra hoài nghi phát hiện của CERN, bởi học thuyết của Einstein đã đứng
vững hàng trăm năm qua. Đối với họ, lời giải thích “dễ nghe” nhất là một sai lầm mang tính hệ thống nào đó đã làm lệch kết quả đo vận tốc hạt neutrino.