Dù cho thời gian có
thật hay không, việc canh đo khái niệm này đã trở nên không thể thiếu
trong cuộc sống của chúng ta. Con người đã sáng tạo ra nhiều phương thức
để xác định đại lượng này, từ cách thô sơ nhất là dựa vào sự chuyển
động của mặt trời cho đến các đồng hồ nguyên tử siêu chính xác ngày nay.
Hãy cùng tạp chí Discovery điểm lại một số phương thức đo thời gian được con người sử dụng từ trước đến nay.
Dựa vào Mặt trời
Đồng hồ mặt trời.
Người Ai Cập có lẽ là những người đầu tiên biến việc canh thời gian
thành một môn khoa học. Họ xây dựng những cột lớn từ những năm 3.500
trước Công nguyên (TCN) và đặt chúng ở những vị trí thuận lợi để đo được
bóng đổ xuống của chúng. Đồng hồ mặt trời hoạt động theo nguyên tắc
theo dõi bóng của cái que cắm trên phiến đá thay đổi hướng và độ dài.
Thuở sơ khai, công cụ này chỉ giúp họ biết được thời điểm nào là giữa
ngày, nhưng về sau họ đã nghĩ ra cách để phân chia thời gian thành những
phần nhỏ hơn.
Hai ngàn năm sau, cũng là người Ai Cập nghiên cứu và chế tạo chiếc
đồng hồ mặt trời đầu tiên với thiết kế được chia làm 10 phần. Chiếc đồng
hồ này hoạt động dựa vào chuyển động của mặt trời. Phần nhô lên trên
mặt của nó sẽ đổ bóng xuống mặt đồng hồ và chỉ vào con số đã được khắc.
Vào giữa ngày, người ta phải xoay chiếc đồng hồ này 180 độ để nó tiếp
tục chỉ giờ chiều. Và dĩ nhiên là chiếc đồng hồ này không thể chỉ giờ
vào những ngày âm u hay vào ban đêm. Nó cũng không chính xác vì mặt trời
ở những góc khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong năm; giờ có thể
ngắn hơn hoặc dài hơn tùy thuộc vào mùa. Tuy vậy, đến năm 30 TCN đã có
hơn 30 loại đồng hồ mặt trời được sử dụng ở Hy Lạp, Ý, và vùng Tiểu Á.
Ngày nay hệ thống tính giờ của chúng ta vẫn dựa vào mặt trời thông qua
việc quy ước những múi giờ.
Dựa vào những ngôi sao
Dụng cụ thiên văn "merkhet" của người Ai Cập.
Cũng là người Ai Cập phát minh ra phương pháp canh thời gian vào ban đêm bằng một dụng cụ thiên văn (gọi là merkhet)
vào khoảng năm 600 trước Công nguyên. Dụng cụ này gồm một sơi dây có
buộc một quả tạ ở một đầu dùng để đo một đường thẳng. Những nhà thiên
văn Ai Cập thời đó canh sao cho 2 merkhet hướng về phía sao Bắc Cực và
dựa vào đó để đánh dấu một đường bắc-nam, hay còn gọi là đường thiên
kinh tuyến, trên bầu trời đêm. Thời gian sẽ được xác định khi một số
ngôi sao nhất định vượt qua đường này.
Đồng hồ cát
Một chiếc đồng hồ cát thời trung cổ được chế tác cầu kỳ.
Đồng hồ cát là một dụng cụ đo thời gian gồm hai bình thủy tinh được
nối với nhau bằng một eo hẹp, để cát mịn chảy từ bình này sang bình kia
qua eo nối, với một tốc độ nhất định. Khi cát từ bình này đã chảy hết
vào bình kia, đồng hồ cát được dốc ngược lại để cát chảy theo chiều
ngược lại. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian cát chảy là dung lượng
cát, kích cỡ và góc của bình, độ rộng cổ eo và chất lượng cát.
Nguồn gốc của loại đồng hồ này cho vẫn chưa xác định được. Có nguồn
cho rằng người sáng chế ra nó là một tu sĩ người Pháp tên Luitprand sống
ở thế kỷ thứ 8; tuy nhiên phải đến thế kỷ 14 người ta mới thấy sự xuất
hiện phổ biến của loại đồng hồ này. Đồng hồ cát được thiết kế để đo
nhiều khoảng thời gian ngắn khác nhau: có loại 1 giờ, nửa giờ, hoặc thậm
chí chỉ vài phút. Ngày xưa, những nhà giàu có thường trưng những chiếc
đồng hồ cát lớn như là đồ trang trí trong nhà, dần về sau loại đồng hồ
này đã được dùng phổ biến trong mọi tầng lớp. Hiện tại, loại đồng hồ này
lưu thông phổ biến nhất ở dạng quà lưu niệm với thời gian đo chỉ 3 phút
thường được dùng để canh thời gian luộc trứng.
Đồng hồ nước
Một mẫu đồng hồ nước
Đây là thiết bị đo thời gian đầu tiên không phụ thuộc vào các yếu tố
thiên văn để xác định thời gian, có nghĩa là nó có thể được dùng vào bất
cứ lúc nào trong ngày/đêm. Đồng hồ nước hoạt động bằng cách đo lượng
nước nhỏ từ một bình chứa này sang bình chứa khác. Người Ai Cập sở hữu
phát minh này, tuy nhiên nó đã phổ biến và được sử dụng rộng rãi khắp
thế giới, vài nước trên thế giới thậm chí còn sử dụng loại thước đo thời
gian này cho đến tận thế kỷ 20.
Đồng hồ cơ học
Đồng hồ cơ học ra đời ở Châu Âu vào những năm 1300. Chúng hoạt động
nhờ vào một hệ thống những quả nặng kết hợp với con quay. Những chiếc
đồng hồ đầu tiên không có kim chỉ giờ hay phút mà chúng chỉ giờ bằng
cách đổ chuông (từ đồng hồ tiếng Anh “clock” xuất phát từ tiếng
Pháp “cloche” có nghĩa là “chuông”). Hệ thống dây cót được phát triển
vào thế kỉ 15. Kim phút xuất hiện vào năm 1475, và kim giây xuất hiện
vào khoảng năm 1560 (tuy nhiên nó hoạt động không được chính xác lắm và
chỉ giúp cho người ta nhận ra rằng đồng hồ vẫn còn hoạt động). Vào năm
1653, Galileo Galilei phát minh ra con lắc dẫn đến sự ra đời của đồng hồ
quả lắc do Christiaan Huygens chế tạo. Ông đã phát hiện nếu con lắc có
độ dài 99,38 cm thì một chu kì của nó sẽ là đúng 1 giây. Vào năm 1670,
William Clement phát minh ra hệ thống hồi dạng mỏ neo giúp nâng độ chính
xác của đồng hồ. Từ đó, kim phút và kim giây xuất hiện ở hầu hết các
loại đồng hồ.Đồng hồ “độc”
Đồng hồ nhang của người Trung Hoa
Nhiều thế kỷ trước, người ta đã nghĩ ra đủ cách để tính giờ. Người
Trung Hoa phát minh ra cách đo thời gian bằng nhang vào khoảng năm
960-1270, và cách này đã được phổ biến qua khắp các vùng đông Á. Cấu tạo
của loại đồng hồ này gồm những quả cầu kim loại được buộc vào dọc thanh
nhang theo khoảng cách đều nhau bằng những sợi dây; khi nhang cháy hết
một đoạn thì dây sẽ tuột và những quả cầu rớt xuống tạo ra tiếng động
báo hiệu giờ.
Đồng hồ nến có số vạch trên thân nến; khi bị đốt nến ngắn đi đồng
thời chỉ thời gian tương ứng được vạch trên thân. Đôi khi người ta không
vạch số lên thân nến, nhưng người sử dụng phải biết thời gian nến cháy
hết để xác định thời gian gần đúng.
Đồng hồ thạch anh
Cấu tạo của một chiếc đồng hồ thạch anh
Năm 1880 Jacques và Pierre Curie phát hiện ra hiện tượng áp điện ở tinh thể thạch anh; có nghĩa là chúng có khả năng chuyển các dao động cơ học thành xung điện áp và ngược lại.
Từ đó người ta thấy rằng có thể dùng thạch anh để tạo ra những dao động
điện rất ổn định làm chuẩn, từ đó có thể làm đồng hồ thạch anh, chính
xác, tiện lợi hơn đồng hồ quả lắc. Lần đầu tiên Walter G. Cady ứng dụng
thạch anh vào một bộ kiểm soát dao động điện tử vào năm 1921. Ông công
bố kết quả vào năm 1922 và đến năm 1927 thì Warren A. Marrison đã ứng
dụng tinh thể thạch anh vào điều khiển sự hoạt động của các đồng hồ.
Loại đồng hồ này có một số ưu điểm: tiện lợi, không
cần lên giây, đa tính năng, kiểu dáng thời trang…Vì vậy nó rất được giới
trẻ ưa chuộng. Hiện trên thị trường có ba loại đồng hồ thạch anh là
đồng hồ thạch anh báo số, đồng hồ thạch anh chạy kim và đồng hồ kết hợp
số-kim.
Đồng hồ nguyên tử
Chiếc đồng hồ nguyên tử đầu tiên trên thế giới (1949)
Đồng hồ nguyên tử là đồng hồ điều chỉnh thời gian theo trạng thái dao động của nguyên tử.
Tần số dao động của nguyên tử là không đổi và có thể đo được, vì vậy
đồng hồ nguyên tử là loại đồng hồ chính xác nhất cho tới nay.
Năm 1949, đồng hồ nguyên tử đầu tiên hoạt động theo chuyển động của
phân tử Amoniac được chế tạo ở Viện tiêu chuẩn và kỹ thuật Quốc gia Hoa
Kỳ.
Năm 1955, Louis Essen chế tạo thành công đồng hồ nguyên tử hoạt động
theo chuyển động nguyên tử Caesium tại phòng thí nghiệm Vật lí Quốc gia
Anh.
Ngoài nguyên tử Caesium, nguyên tử Rubidium, Hiđrô và các nguyên tử
hay phân tử khác đã được dùng thành công và đạt độ chính xác ngày càng
cao hơn.
Đồng hồ nguyên tử được dùng đo chính xác thời gian, xác định và phối
hợp các múi giờ và các hệ thống giờ với nhau. Ngoài ra, đồng hồ nguyên
tử còn được dùng trong tên lửa, máy bay không người lái, và đặt biệt là
đo thời gian để xác định khoảng cách trên vệ tinh trong các hệ thống
định vị như GPS, GLONASS hay Galileo.
Lịch
Lịch của người Maya
Dương lịch dựa trên thay đổi thấy được theo mùa, được đồng bộ theo chuyển động biểu kiến của Mặt Trời.
Sử dụng cơ bản nhất của lịch là để xác định ngày: để
có thể thông báo các sự kiện tương lai và ghi chép lại các sự kiện đã
xảy ra. Các ngày có thể có ý nghĩa đối với các mùa thông thường, đối với
một tôn giáo hay các ngày lễ xã hội. Ví dụ, lịch cung cấp cách thức để
xác định ngày nào là những ngày lễ tôn giáo hay ngày lễ công cộng, những
ngày nào đánh dấu sự bắt đầu hay kết thúc của các chu kỳ hoạt động sản
xuất-kinh doanh, cũng như ngày nào là có giá trị pháp lý như ngày hết
hạn trong các hợp đồng hay ngày nộp thuế. Cũng có lịch còn cung cấp thêm
thông tin khác có ích chẳng hạn như thông tin về ngày hay mùa của nó.