Trong thời đại mà hầu như chẳng có ngóc
ngách nào trên bề mặt địa cầu chưa từng được khai phá, chuyến du hành
xuống lòng Nam cực có thể mở ra một thế giới nghiên cứu hoàn toàn mới lạ
cho giới khoa học. Theo Independent, một nhóm gồm 12 nhà khoa học Anh
chuẩn bị dấn thân vào hành trình đầy mệt mỏi đến Nam cực. Họ sẽ ngủ và
sống chen chúc trong những túp lều con hàng tháng nhằm kiểm tra sức bền
của con người trong điều kiện khắc nghiệt ở cực nam trái đất. Quan trọng
hơn, các chuyên gia sẽ khởi động sứ mệnh khám phá thế giới bị đánh mất
nằm đông cứng bên dưới lớp băng dày trong hàng trăm ngàn năm.
Thám hiểm dưới lòng băng Nam cực
Cuộc tìm kiếm các hình thái sự sống đặc
biệt sẽ dẫn họ đến điểm sâu nhất của vùng hồ Nam cực, hiện nằm dưới 3km
băng. Đến cuối năm, nhóm thám hiểm bắt đầu khoan xuyên lớp băng dày ở
tây Nam cực với hy vọng thu thập mẫu nước và bùn từ hồ Ellsworth, một
trong số 150 hồ dưới băng ở lục địa băng giá này. Được theo dõi sát sao
bởi NASA, tổ chức muốn triển khai sứ mệnh không gian nghiên cứu sao Mộc,
chuyến thám hiểm tiên phong do Trung tâm khảo sát Nam cực Anh dẫn đầu
là một trong những nỗ lực đầy tham vọng trong lịch sử khoa học nhằm tìm
kiếm những vi khuẩn thuộc dạng “extremophile” (tạm dịch
vi khuẩn ái cực hạn, do khả năng sống trong những điều kiện khắc nghiệt
nhất trong vũ trụ). Các nhà khoa học cho rằng nếu sự sống đang tồn tại
trong hồ Ellsworth, chúng đã bị cô lập đến nửa triệu năm. Dù không ánh
sáng nào có thể len lỏi đến vùng hồ trên trong khoảng thời gian dài đằng
đẵng như vậy, vi khuẩn nhiều khả năng sống sót nhờ vào các nguồn năng
lượng hóa học khác.
Hồ Ellsworth tồn tại do sức nóng nhiệt
địa từ mặt đất nung chảy phần bên dưới của lớp băng dày, dẫn đến tình
trạng nước lỏng tập trung trong thung lũng hạ băng với kích thước tương
tự hồ Windermere của Anh, chiều dài 17km, rộng 1,6km và sâu 67m. Lên kế
hoạch cho sứ mệnh được đầu tư đến 8 triệu bảng Anh thực chất là cơn ác
mộng cho những người liên quan, chẳng hạn như vận chuyển 100 tấn thiết
bị đến một trong những nơi xa xôi tận cùng trái đất, vùng đất mà nhiệt
độ mùa hè cũng dao động ở mức - 25 độ C. Hồi năm trước, nhóm tiền trạm
phải chuyển gần 70 tấn thiết bị vượt qua quãng đường 16.000km từ Anh đến
địa điểm khoan. Lần này, họ phải chuyển thêm 16 tấn nữa nếu muốn hoàn
tất giai đoạn 2 của sứ mệnh khó nuốt đó, và thời điểm lên đường được ấn
định vào tháng 12/2012.
Mũi khoan được thiết kế để phun luồng
nước nóng đến 100 độ C với áp suất cao mới làm băng tan chảy được. Một
khi hoạt động khoan bắt đầu, các kỹ sư không thể ngừng lại cho đến khi
kết thúc sứ mệnh vì toàn bộ phần đã đào có thể bị đông lại trong vòng 24
giờ. Các chuyên gia cũng bỏ không biết bao công sức để tìm được cách vô
trùng thiết bị khoan để tránh tình trạng nhiễm khuẩn khu hồ. Khi khoan
đến hồ Ellsworth, các chuyên gia sẽ chuyển thiết bị quan sát xuống và
bắt đầu quá trình thu thập mẫu vật.
“Một câu hỏi đơn giản mà chúng tôi
đang muốn giải đáp là liệu sự sống có thích nghi được trong môi trường
khắc nghiệt như vậy. Chỉ vi khuẩn mới có cơ hội sống sót trong điều kiện
đến thế”, báo Independent dẫn lời GS John Purnell của Đại học
Aberdeen (Anh). Cũng theo GS, việc tìm cho ra chứng cứ của những sinh
vật như vậy có thể cho chúng ta thấy được nếu sự sống tồn tại được thậm
chí trong môi trường sâu nhất, tối tăm nhất và bị cô lập nhất trong cả
triệu năm, vậy chúng có khả năng sống sót ở bất cứ nơi đâu, và điều này
có thể không chỉ xảy ra trên địa cầu.