Với giá tiền rẻ hơn mua một cái máy xay sinh tố, trong một giờ đồng hồ, chiếc máy ấy có thể "xử lý" 2 - 3 tạ bèo hoặc rau, cỏ. Tác giả của nó, anh Nguyễn Như Lĩnh lại là một "kỹ sư chân đất"...
|
|
Từ người lính thông tin thành "kỹ sư chân đất"
"Bởi chưng bác mẹ tôi nghèo, cho nên tôi phải băm bèo, thái khoai"- câu ca dao ấy hình như cũng bao hàm cả nỗi sợ vì băm bèo cực kỳ ngứa, ngứa đến rách cả da tay... Thế là ý nghĩ "giá mà có cái máy băm bèo" cứ ám ảnh mãi trong đầu Lĩnh.
"Vốn liếng"
để Lĩnh vào cuộc chỉ là chút kiến thức về máy móc, điện tử khi còn là
lính thông tin ở Quân khu 3 rồi được "bổ túc" thêm từ mấy xưởng đào tạo
quy mô "vườn" ở xã bên sau khi xuất ngũ năm 1986. Lĩnh bắt đầu mày mò ra mô hình máy băm bèo từ việc lân la đến xem các máy... xát gạo ở thị tứ.
Nắm vững phần nguyên lý, giờ đi tìm vật liệu. Mô tơ từ các loại máy lạnh "bãi thải"
không thiếu. Hàng năm trời, Lĩnh cứ một mình hì hục, phác thảo đủ kiểu
mà kết quả vẫn chưa đâu vào đâu. Cái máy ban đầu to như chiếc máy xay
xát, nổ phành phành mà bèo lại nát vụn ra như... bột. Có chiếc, bèo bay
vọt cần câu như máy tuốt lúa. Cho đến khi tìm được "cửa ra" có lá chắn thì "công nghệ"
băm bèo hoàn thiện. Bèo ra đều, cánh nhỏ y chang những nhát dao chuyên
cần của các cô thôn nữ. Xong! Lĩnh nhảy cẫng đi khoe khắp làng.
Làm máy xong, tới lượt anh bạn thân cùng quê với Lĩnh cũng trong tình trạng "trai nuôi vợ đẻ".
Thương bạn, Lĩnh liền cho luôn bạn chiếc máy đầu tay. Rồi anh lại mày
mò làm thêm vài chiếc khác bán cho những người trong làng, bụng bảo dạ: "thăm dò thị trường xem sao?". Nhưng đợi mãi mà thị trường vẫn không có tín hiệu gì. Bà con bụng thì rất "sướng"
chiếc máy băm bèo song họ cũng chưa dám mua nhiều vì đâu dễ tin ngay
máy của một anh thợ vườn, không bằng cấp, không nhãn mác.
Một
phần khác khiến máy băm bèo không thể tiếng lành đồn xa vì nhiều hộ
trong làng mua được máy rồi, khư khư giấu, sợ người khác mượn mất, lấy
mất.
Từ "kỹ sư chân đất" thành... chủ doanh nghiệp
Chỉ đến khi máy băm bèo "lọt"
đến tai một cán bộ lãnh đạo huyện. Đồng chí này đã đến thăm cơ sở sửa
chữa điện dân dụng của Lĩnh và hoàn toàn bị thuyết phục bởi các sản phẩm
của chàng kỹ sư chân đất. Ông đã gợi ý Lĩnh nên đăng ký bản quyền sở
hữu và tiêu chuẩn chất lượng máy băm bèo, máy bơm nước và thành lập
doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất biến những sản phẩm trên thành
hàng hóa.
Các thủ tục đăng ký tiêu chuẩn chất lượng được Sở Khoa học-Công nghệ
(KH-CN) tỉnh Thái Bình ủng hộ hoàn thiện nhanh chóng. Huyện còn hỗ trợ
hơn 80 triệu đồng để Lĩnh đăng ký nghiên cứu và phát triển các sản phẩm
của mình thành một đề tài khoa học. Cùng với đó là việc chính quyền tạo
điều kiện cho anh thuê mặt bằng ngoài thị tứ, mở doanh nghiệp tư nhân.
Tháng 2- 2004, doanh nghiệp chế tạo máy mang tên Thiên Thuận
ra đời tại xã Thụy Thanh, nằm ngay kề cánh đồng lúa, cách thành phố
Thái Bình chỉ hơn 15km. Dù quy mô ban đầu còn nhỏ nhưng mỗi tháng doanh
nghiệp cũng tiêu thụ được hàng trăm máy bơm nước, máy phay bèo, thu hút
hơn 30 lao động địa phương, bảo đảm thu nhập cho công nhân từ 700 nghìn
đến một triệu đồng. Điều đặc biệt là Lĩnh không chỉ nhận những thanh
niên có trình độ trung cấp cơ điện làm việc mà còn "nạp" cả
những lao động phổ thông rồi tổ chức cho họ vừa học-vừa làm, biến tổ hợp
chế tạo máy thành một trung tâm dạy nghề hiệu quả.
Hiện nay,
những chiếc máy bơm nước, máy băm bèo của Lĩnh đã có thương hiệu hẳn
hoi. Riêng máy băm bèo đã được trưng bày tại Đại hội các Doanh nghiệp
nhỏ và vừa Thái Bình và sẽ tiếp tục được trưng bày, giới thiệu tại hội
chợ "Bạn của nhà nông" sẽ tổ chức tại thành phố Thái Bình vào tháng 10.
Ông
Nguyễn Văn Lịch, Phó giám đốc Sở KH-CN Thái Bình đánh giá rất cao những
sản phẩm máy móc tự chế tạo của Nguyễn Như Lĩnh. Điều đáng quý là chàng
kỹ sư nông dân này không chịu dừng lại ở việc gia công, tạo sản phẩm từ
những máy móc cũ mà đến nay anh đã có thể chế tạo máy bơm nước, máy băm
bèo nội địa hóa 100% từ xưởng máy nhỏ bé nơi làng quê nghèo của mình.
Ông
Chủ tịch huyện Thái Thụy đã ví Nguyễn Như Lĩnh như những Nguyễn Đức
Tâm, Nguyễn Văn Dũng hay Nguyễn Cẩm Lũy... của bà con nông dân Nam Bộ.
Còn Lĩnh: "Làm máy trước hết để tự cứu mình, bà con quê mình đỡ khổ
cái tay, cái chân. Mở công ty, để anh em trẻ tìm được việc làm, đỡ phải
tha phương cầu thực...". Anh rủ rỉ nói, tay vẫn đều đều quấn mô tơ, cùng làm việc như mọi công nhân khác...
|
|
|
|
|
|