Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm, chủ đề án cho biết, ý tưởng
hình thành đề án xuất phát từ mục đích tìm nguồn năng lượng với giá
thành thấp, đồng thời giải quyết bài toán môi trường vì loại rác trên
vốn khó phân hủy.
|
Khu nhiệt phân vỏ xe ô tô thành dầu đốt. Ảnh: T.C. |
Rác mang về sau khi xử lý loại bỏ chất bám bẩn như
bùn đất sẽ được cho vào lò đốt. Sau đốt, hai thành phần chính thu được
là khí đốt và dung dịch dầu lỏng. Khí sẽ được tái sử dụng làm nhiên liệu
đốt cho lò, còn dầu được ngưng tụ đưa ra thùng chứa thành phẩm.
Cứ một tấn rác cao su, sau quá trình nhiệt phân sẽ thu được khoảng 280 kg dầu thành phẩm.
"Khi sử dụng làm nhiên liệu trong các lò đốt công
nghiệp, loại dầu này cho nhiệt lượng cao hơn dầu FO và tương đương với
dầu DO mà mức độ ô nhiễm môi trường đạt tiêu chuẩn Việt Nam", ông Tâm
nói.
Theo đề án, chỉ với 500 triệu đồng đầu tư, mỗi ngày
quy trình sẽ sản xuất trung bình 2 tấn dầu. Giá thành phẩm của mỗi kg
dầu (1,1 lít) sau khi cộng phí nguyên liệu đầu vào, phí vận hành và nhân
công, chỉ tương đương 4.000 đồng, bằng nửa giá dầu FO và bằng 1/3 giá
dầu DO đang bán lẻ trên thị trường.
Tuy nhiên tiến sĩ Tâm cho rằng, khi đề án nghiên
cứu này triển khai thực tế, khó khăn lớn nhất của việc biến rác cao su
thành chất đốt lỏng là phải tìm đủ rác để sản xuất. Hiện nay, rác cao su
chủ yếu được bán để xuất khẩu sang Trung Quốc với giá mỗi kg là 1.500
đồng.
|
Thử đốt dầu thành phẩm. Ảnh: T.C. |
Chỉ tính riêng Hà Nội và TP HCM, có khoảng 5,3
triệu xe gắn máy và 540.000 xe ôtô. Trong đó mỗi xe tải sử dụng từ 12
đến 18 vỏ cao su, trung bình cứ lưu thông khoảng 40.000 km xe lại phải
thay vỏ mới. Do đó nguồn nguyên liệu cho khâu thử nghiệm là không khó.
Hiện đề án dầu đốt từ "Công nghệ tái chế cao su phế
thải làm nhiên liệu lỏng" đã được Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất
lượng 3 xác nhận đạt chuẩn. Giữa tháng 6 đề án này sẽ được báo cáo và
xét duyệt tại Hà Nội. |