Tại chợ Công nghệ và thiết bị quốc tế
Việt Nam 2012 vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, khách thăm quan đặc
biệt ấn tượng với chiếc máy tuốt hạt tiêu và chiếc máy nhổ lạc do ông Lệ
mang đến giới thiệu.
Đơn giản mà hiệu quả
Chiếc máy nhổ sắn của ông Phan Văn Lệ. |
Ông kể, vào cuối những năm 90 của thế kỷ
trước, tiêu là loại cây công nghiệp chủ lực ở xã Hồ Xá. Thấy bà con đến
mùa thu hoạch phải hái tiêu, tuốt tiêu bằng tay một cách cực nhọc, ông
chợt nảy ra ý định sẽ chế tạo một cái máy giúp bà con. "Ngày trước,
khi hái tiêu về, cả nhà phải cùng nhau lấy chân giẫm để hạt tiêu rơi ra
khỏi cuống. Nhiều hôm đi hái về đã mệt mà phải giẫm cả đêm mới xong
việc. Một người tuốt tiêu thủ công, nếu nhanh mỗi giờ cũng chỉ được 50
kg....", ông nhớ lại.
Những ngày bắt đầu mày mò chế tạo máy,
ông chẳng nhớ mình đã "phá" biết bao nhiêu vật liệu, mua không biết bao
nhiêu tiêu cho máy chạy thử. Máy trục trặc, tiêu nát nhưng ông dặn lòng
phải làm cho bằng được. Đến khi chiếc máy ra đời, ông vui đến chảy nước
mắt. Máy có 3 phần chính gồm động cơ (mô-tơ, bánh đà, dây cu-roa); giá
đỡ (khung máy, ray đẩy); trục xoắn, máng chứa, sàng lọc tiêu.
Nguyên lý hoạt động của máy cũng rất đơn
giản. Tiêu được đưa từ vườn cây về, đổ vào máng tiếp liệu và chảy xuống
trục cuốn, tại đây có lực ép để tiêu rời khỏi cuống, cuống được đẩy ra
ngoài. Theo tính toán, chiếc máy có thể tuốt được 1 tấn hạt tiêu/giờ
nhanh gấp 20 lần so với tuốt thủ công và còn tự động phân chia hồ tiêu
hạt to chắc với hạt nhỏ lép và cọng qua 3 máng riêng biệt. Đặc biệt,
trọng lượng máy chỉ khoảng 50kg và di chuyển dễ dàng nhờ hệ thống bánh
xe, tay đẩy. Những nơi không có điện hoặc những lúc bị mất điện, máy vẫn
hoạt động tốt nhờ dùng máy nổ thay thế.
Chiếc máy nhổ sắn là sáng chế thứ hai
của người nông dân mê sáng tạo này. Sau chuyến thăm người thân ở huyện
Đakrông, thấy bà con khó khăn lắm mới kéo được sắn từ dưới đất lên, ý
tưởng mới lại lóe sáng trong tâm trí ông. Nghĩ là làm, ông về nhà hì hục
vạch ý tưởng và cặm cụi sáng chế bất kể ngày đêm. Chỉ sau một tháng,
chiếc máy nhổ sắn đã được đưa ra sử dụng. Máy nặng 20kg, được cấu tạo
như một chiếc xe đẩy, bánh xe đặc để dễ di chuyển ở nhiều địa hình. Bộ
phận chính của máy gồm tay lái và thân máy được thiết kế linh hoạt, hai
má kềm dùng để cắt và nhổ sắn. Ông Lệ cho biết: “Tính năng nổi trội
của chiếc máy này là nhổ sắn nhanh, không kén địa hình, dễ sử dụng, đỡ
tốn sức... Đặc biệt, máy hoạt động cơ học, không tốn điện hay xăng dầu”.
Không biết gì về "Sở hữu trí tuệ"
Máy tuốt hạt tiêu, máy nhổ sắn của ông
Lệ giờ đã trở thành thương hiệu được rất nhiều nông dân không chỉ vùng
Quảng Trị mà vùng Quảng Bình, Tây Nguyên mua dùng bởi vừa rẻ, vừa hiệu
quả. "Mùa thu hoạch tiêu chỉ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 nhưng
tui phải làm cả năm mới đủ cung cấp. Riêng máy tuốt tiêu năm vừa rồi tui
làm được hơn chục cái liền", ông Lệ nói.
Nhắc đến chuyện đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, ông Lệ thật thà cho biết: "Máy
của tui có đăng ký bản quyền sáng chế chi mô, tui cứ mần đại rứa đó.
Mấy anh bên Sở Khoa học và Công nghệ có hỏi, tui nói mấy anh giúp cho
tui chứ tui không biết thủ tục chi".
Ông Lệ cũng cho biết, nhiều người khuyên ông "giấu nghề" để độc quyền, nhưng ông bảo:
"Nói thiệt, cái máy tuốt tiêu cũng không phải là quá phức tạp, nếu họ
muốn "nhái" thì chỉ cần mua một cái, tháo tung nó ra là biết hết liền
nên tui cho thợ vô học nghề rồi chỉ dạy cho họ vì nghĩ nhiều người làm
được máy thì bà con sướng chớ ai sướng mô mà lo...".
Ngoài máy tuốt tiêu, máy nhổ sắn, ông Lệ
còn làm máy cắt cỏ, lò quay nướng thịt... nhưng không thành thương phẩm
vì chưa có thị trường ổn định. Đến nay, mỗi chiếc máy ông làm ra đều do
kinh nghiệm quyết định, chứ không kẻ vẽ tính toán gì nhiều, vậy mà khi
mang đến hội chợ sáng kiến máy móc nào, người ta đều phải tấm tắc khen.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung
tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Cục Sở hữu trí tuệ), nếu có những sáng kiến
hay, người dân đều có quyền đăng ký xác lập quyền SHTT. Khi đầu tư vào
sở hữu trí tuệ sẽ mang lại lợi nhuận nhất định cho cá nhân, doanh
nghiệp. Nếu không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ sẽ gặp những rủi ro như
mất thương hiệu, mất quyền sáng chế, mất quyền sở hữu kiểu dáng công
nghiệp, mất bí mật thiết kế và sẽ bị các đối thủ khác cạnh tranh không
lành mạnh trên thương trường… Tài sản trí tuệ được chú trọng, khai thác
tối ưu có thể giúp cá nhân, doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao
vị thế, uy tín, khả năng cạnh tranh, doanh thu, thị phần và lợi nhuận.