Chỉ cần ngẩng đầu và ngắm
Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 19h15 và kết thúc lúc 23h51, cực đại lúc 21h33 (giờ Việt Nam) tối ngày 28/11.
Nguyệt thực nửa tối khác với nguyệt thực
toàn phần hay một phần ở chỗ Mặt Trăng không đi sâu vào vùng bóng đen
của Trái Đất mà chỉ đi vào vùng nửa tối (penumbra). Chỉ khi nào toàn bộ
hoặc một phần của nó đi vào vùng bóng tối (umbra) mới là nguyệt thực
toàn phần hoặc một phần.
Vì Mặt Trăng không đi sâu vào bóng đen
của Trái Đất vì thế Mặt Trăng sẽ không tối và đỏ sẫm như nguyệt thực
toàn phần hay một phần, mà chỉ chuyển sang màu đỏ đậm hơn và tối hơn
bình thường một chút. Tuy nhiên, đây vẫn là hiện tượng đáng quan sát. Lý
do là vì không phải lúc nào những người yêu thiên văn ở nước ta cũng có
cơ hội quan sát được hiện tượng này. Lần gần đây nhất mà Việt Nam có
thể quan sát được hiện tượng nguyệt thực nửa tối là tháng 12/2010.
Điều đáng chú ý là hiện tượng này không khó quan sát (chỉ cần trời không mưa chắc chắn sẽ thấy Trăng).
Khác với nhật thực có thể gây hại cho
mắt nếu không quan sát đúng cách, nguyệt thực an toàn nên không cần
chuẩn bị gì cả. Người yêu thiên văn có thể nhìn thẳng bằng mắt thường
trong suốt quá trình hiện tượng diễn ra. Tất nhiên, nếu có kính nhiên
văn, ống nhòm, camera... sẽ là những dụng cụ giúp quan sát hiện tượng
này rõ nét hơn.
Sao Kim và Sao Thổ ghé thăm nhau
Ngày 27/11, một hiện tượng thiên văn
đáng chú ý nữa là việc sao Kim và sao Thổ sẽ gặp nhau trên bầu trời. Nếu
để ý, người yêu thiên văn sẽ dễ dàng nhận thấy, sự kiện này xảy ra
trước sự xuất hiện của nguyệt thực nửa tối đúng 1 ngày. Tất nhiên 2 hiện
tượng này không liên quan đến nhau.
Theo đó, đốm sáng đẹp nhất bầu trời (sao
Kim) và hành tinh được coi là đẹp nhất Hệ Mặt Trời (sao Thổ) sẽ chỉ
cách nhau 1 độ trên bầu trời. Việc hai thiên thể này nằm ngay sát nhau
là khá hiếm vì thế đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng này.
Chỉ cần trời ít mây chứ không cần quá
đẹp là có thể quan sát được 2 đốm sáng vì chúng đều là những thiên thể
sáng nhất trên bầu trời đêm. Chỉ cần hướng mắt lên bầu trời sẽ dễ dàng
nhận thấy 2 đốm sáng nằm sát cạnh nhau. Tuy nhiên, nếu có kính thiên văn
hoặc ống nhòm dân dụng sẽ thấy nó đẹp hơn rất nhiều.
Ngoài ra, cũng trong tháng 11 này, một
hiện tượng xuất hiện khá quen thuộc trong năm là mưa sao băng. Trận mưa
sao băng Leonids, có tâm điểm là chòm sao Leo (Sư tử). Trận mưa sao băng
này sẽ đạt cực đại vào rạng sáng ngày 17/11 này với khoảng 15 - 20 vệt
sao băng mỗi giờ. Cũng như các trận mưa sao băng lớn khác mà chúng ta đã
nhắc tới như Perseids, Orionids, mưa sao băng Leonids năm nay sẽ dễ
quan sát nếu thời tiết cho phép vì Mặt Trăng sẽ không làm loá mắt người
quan sát.