Bão bùng phát từ điểm đen AR 11598
- một vùng hoạt động mạnh của mặt trời. Cường độ của bão đạt mức tối đa
vào lúc 3h22 sáng ngày 22/10 theo giờ GMT, tức 10h22 cùng ngày theo giờ
Hà Nội. Solar Dynamics Observatory, một vệ tinh nhân tạo do Cơ quan
Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên để theo dõi mặt trời, đã phát hiện
cơn bão. Trung tâm Dự báo Thời tiết vũ trụ Mỹ cho biết, đây là cơn bão
cấp độ X1.8 - nghĩa là thuộc nhóm những cơn bão mặt trời mạnh nhất.
Sau khi bão bùng phát, những hạt mang
điện tích từ mặt trời đã lao tới trái đất và làm tê liệt tín hiệu radio
trong một khoảng thời gian ngắn, Space đưa tin.
Một bức ảnh do vệ tinh Solar Dynamics Observatory chụp
cho thấy bão bùng lên từ điểm đen AR 11598 hôm 22/10.
Điểm đen AR 11598 từng tạo ra ba cơn bão
mạnh trong vòng hai ngày từ khi nó trở thành mục tiêu mà con người có
thể quan sát từ trái đất.
"Điều đó có nghĩa là những cơn bão
mạnh sẽ tiếp tục xuất phát từ điểm đen đó. Do điểm đen hướng về trái đất
trong những ngày tới nên những cơn bão mặt trời sẽ ngày càng hướng
thẳng về phía chúng ta", Tony Philips, một nhà thiên văn của trang spaceweather.com, phát biểu.
Vết đen là những vùng tối trên bề mặt
của mặt trời. Chúng xuất hiện do biến đổi từ trường mạnh. Độ sáng của
vết đen chỉ bằng 1/4 độ sáng của vùng xung quanh. Những cơn bão mặt trời
mạnh thường xuất hiện từ những vết đen và chúng giải phóng những luồng
hạt mang điện tích vào không gian.
Giới khoa học chia bão mặt trời thành ba
cấp C, M và X, trong đó X là cấp mạnh nhất. Những cơn bão mặt trời cấp X
có thể gây nên những trận bão từ trên tầng thượng quyển của địa cầu. Sự
tương tác giữa những hạt mang điện tích từ mặt trời và từ trường trái
đất có thể làm tê liệt sóng radio. Những trận bão mặt trời cấp M có thể
gây mất tín hiệu radio ở hai vùng cực của trái đất trong khoảng thời
gian ngắn. Tác động của những cơn bão mặt trời cấp C thường rất nhỏ và
hiếm khi được phát hiện.