Cặp "vũ công" - bao gồm một hành tinh đá và một hành tinh khí - xoay quanh một ngôi sao cách trái đất khoảng 1.200 năm ánh sáng. Ngôi sao của chúng khá giống mặt trời nhưng có tuổi lớn hơn vài tỷ năm. Khoảng cách giữa cặp hành tinh và ngôi sao tương đối nhỏ, AFP đưa tin.
Kepler-36b, tên của hành tinh đá, có kích thước lớn hơn khoảng 1,5 lần so với trái đất. Nó xoay một vòng quanh ngôi sao trong hai tuần. Khoảng cách giữa nó và ngôi sao chưa tới 11 triệu km, quá nhỏ so với khoảng cách trung bình 150 triệu km từ mặt trời tới địa cầu.
Hình minh họa hai hành tinh. Bề mặt của hành tinh đá Kepler-36b luôn sôi sục vì nó nhận quá nhiều nhiệt từ ngôi sao. Hành tinh Kepler-36c hiện ra với kích thước gấp 4 lần mặt trăng trên bầu trời của Kepler-36b.
Hành tinh khí, được gọi là Kepler-36c, lớn gấp gần 4 lần trái đất. Khí hydro và heli chiếm phần lớn bầu khí quyển của Kepler-36c và rất có thể nó có lõi đá. Hành tinh này xoay một vòng quanh ngôi sao trong 16 ngày. Khoảng cách giữa nó và ngôi sao là 19 triệu km.
Kepler-36b và Kepler-36c di chuyển gần như trên một mặt phẳng nhưng không bao giờ va chạm bởi ngay cả khi chúng tới gần nhau nhất, khoảng cách giữa chúng vẫn là 1,2 triệu km, tương đương 5 lần khoảng cách trung bình từ mặt trăng tới địa cầu.
“Đây là hai hành tinh gần nhau nhất mà loài người từng phát hiện”, Eric Agol, một giáo sư thiên văn của Đại học Washington tại Mỹ, phát biểu.
Con người sẽ không thể đứng vững trên hành tinh Kepler-36b bởi nó di chuyển quá gần ngôi sao nên bề mặt của nó tan chảy giống như dung nham. Nhưng nếu con người có thể đứng vững trên hành tinh đó, chúng ta sẽ thấy hành tinh khí hiện ra trên bầu trời với kích thước to gấp ba lần mặt trăng.