Trên phương diện lý thuyết, tốc độ của ánh sáng là hằng số không đổi trong môi trường chân không. Song khi quan sát vụ nổ của những ngôi sao, các nhà thiên văn nhận thấy vụ nổ diễn ra càng gần trung tâm của vũ trụ thì ánh sáng phát ra từ chúng di chuyển càng chậm. Điều đó cho thấy tốc độ giãn nở của vũ trụ đang giảm dần, và tốc độ di chuyển của ánh sáng không phải là hằng số cố định.
Giới khoa học nhất trí rằng thời gian bắt đầu xuất hiện sau Vụ nổ lớn (Big Bang) - sự kiện khai sinh vũ trụ. Từ đó tới nay vũ trụ giãn nở với tốc độ ngày càng tăng do tác động của năng lượng tối, một dạng năng lượng chiếm đa số vũ trụ. Tuy nhiên, tới nay con người chưa có bằng chứng cụ thể về sự tồn tại của năng lượng tối.
Quá trình trôi chậm dần của thời gian là hiện tượng mà con người không thể cảm nhận.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Basque Country và Đại học Salamanca tại Tây Ban Nha cho rằng năng lượng tối không hề tồn tại. Vì thế, theo họ, trên thực tế tốc độ giãn nở của vũ trụ đang giảm dần. Do vũ trụ giãn nở với nhịp độ chậm dần nên tốc độ trôi của thời gian cũng giảm. Tuy nhiên, đây là quá trình mà con người không thể cảm nhận được, Telegraph cho biết.
"Sự chậm lại cùa thời gian khiến con người cảm thấy mọi hiện tượng diễn ra nhanh hơn. Cuối cùng, tới một thời điểm nào đó, mọi hiện tượng xảy ra nhanh đến nỗi chúng ta không cảm nhận được nữa. Chúng biến mất trong nhận thức của con người. Đó là lúc vũ trụ ngừng giãn nở và thời gian dừng lại", nhóm nghiên cứu tuyên bố.
Giáo sư Jose Senovilla, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói rằng nếu thời gian ngừng trôi, mọi thứ trong vũ trụ sẽ ngừng chuyển động và phát triển mãi mãi.
Gary Gibbons, một nhà thiên văn học của Đại học Cambridge tại Anh, nói với trang Russia Today rằng ý tưởng của các nhà khoa học Tây Ban Nha không hề hài hước như một số người tưởng. "Chúng tôi tin rằng thời gian bắt đầu xuất hiện sau Vụ nổ lớn. Nếu thời gian có thể xuất hiện thì đương nhiên nó cũng có thể biến mất", Gibbons nói.