Dữ liệu từ các thiết bị của tàu Voyager1 cho thấy số lượng luồng hạt mang điện tích lớn va chạm với tàu tăng lên mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy Voyager 1 sẽ sớm bay vào khoảng không gian liên sao - sứ mệnh quan trọng nhất của nó.
“Một ngày sắp tới Voyager 1 sẽ trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên lọt vào không gian liên sao, nhưng chúng ta vẫn chưa biết chính xác ngày mà tàu hoàn thành mục tiêu đó”, Ed Stone, một nhà khoa học của Viện Công nghệ California tại Mỹ, phát biểu.
Hình minh họa tàu Voyager 1 thám hiểm sao Thổ trước khi bay về phía trung tâm dải Ngân Hà.
Voyager 1 đang bay với tốc độ 17km/giây và khoảng cách giữa nó với địa cầu vào khoảng gần 18 tỷ km. Với khoảng cách đó, tín hiệu từ phi thuyền tới trái đất sau 16,5 giờ.
Trong ba năm qua Voyager 1 sử dụng các thiết bị của nó để khám phá "vùng lặng gió" trong vũ trụ. Đó là vùng chứa các hạt có năng lượng cao từ mặt trời và vùng liên sao. Các hạt mang điện thoát ra theo những cơn gió mặt trời với tốc độ lên tới 1,7 triệu km/h, song khi tới "vùng lặng gió", tốc độ của chúng giảm rõ rệt. Kết quả đo của các thiết bị cho thấy số lượng luồng hạt mang điện va chạm với tàu có xu hướng tăng dần trong ba năm qua, song vào tháng trước số lượng luồng hạt đột ngột tăng lên mạnh hơn hẳn.
Số lượng luồng hạt mang điện là một trong ba dấu hiệu mà NASA sử dụng để tính toán thời gian tàu vượt ra khỏi ranh giới của hệ Mặt Trời. Sự gia tăng mạnh của số lượng luồng hạt đồng nghĩa với việc tàu sắp lọt vào không gian liên sao.
Voyager 1 được phóng vào ngày 5/9/1977. Còn Voyager 2, một phi thuyền khác, bay lên vũ trụ vào ngày 20/8 cùng năm. Nhiệm vụ ban đầu của hai tàu là thám hiểm các sao Mộc, Thổ, Hải Vương, Thiên Vương. Chúng hoàn thành nhiệm vụ này vào năm 1989.
Sau đó chúng bay về phía trung tâm dải Ngân Hà theo hai hướng. Lò phản ứng hạt nhân của chúng sẽ ngừng sản xuất điện trong khoảng 10 tới 15 năm nữa. Sau khi lò phản ứng ngừng hoạt động, các thiết bị điện tử và phát sóng của hai tàu sẽ “chết”.