Những bức thư Einstein viết gửi các bà vợ và nhân tình đã hé lộ “mảng tối” trong đời sống riêng tư của một trong những nhà khoa học kiệt xuất, nổi tiếng nhất thế giới. Khi còn trẻ, Einstein thường xuyên viết thư tình cho cô bạn học Mileva Marić, một phụ nữ thông minh và quyết đoán, người sau này trở thành vợ của ông. Mối quan hệ giữa họ bắt đầu bằng sự say mê cuồng nhiệt, bất chấp việc mang thai ngoài ý muốn trước hôn nhân và sự phản đối của bố mẹ Einstein. Cặp đôi đã có nhiều thời gian sống xa cách nhau. Trong các bức thư gửi cho nhau, Einstein và Marić đã viết về tình yêu dành cho “nửa kia”, xen lẫn giữa những dòng thảo luận đầy hứng khởi về khoa học và các công thức toán. Einstein và Marić đã chung sống khoảng 10 năm. Trong thời gian này, sự nghiệp của Einstein đã phát triển rực rỡ và ông cho công bố Thuyết tương đối, mang tính cách mạng. Albert Einstein trong một buổi thuyết giảng ở Vienna, Áo năm 1921. (Ảnh: wikipedia)
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đầu tiên của Einstein bắt đầu gặp trục trặc và nhà khoa học trăng hoa đã tìm tới cô em họ Elsa vào năm 1912, để phàn nàn về sự trầm cảm và ghen tuông của bà vợ. Khi Marić từ chối ly hôn, Einstein đã viết ra một danh sách các điều khoản và yêu sách cho việc tiếp tục chung sống: “Cô sẽ phải đảm bảo rằng, mọi quần áo và đồ giặt là của tôi được giữ gìn ngăn nắp; rằng tôi sẽ thường xuyên được phục vụ 3 bữa ăn trong phòng của mình; rằng phòng ngủ và nơi nghiên cứu của tôi phải gọn gàng, và đặc biệt bàn làm việc của tôi chỉ để mình tôi sử dụng mà thôi”. Einstein cũng yêu cầu Marić từ bỏ mọi quan hệ cá nhân với ông, không trông mong bất kỳ sự gần gũi nào và ngừng trò chuyện với chồng nếu ông yêu cầu điều đó. Rốt cuộc, Marić và Einstein ly hôn vào ngày 14/2/1919, sau khi sống ly thân 5 năm. Einstein đã tổ chức hôn lễ với Elsa vào ngày 2/6/1919. Dẫu vậy, các bức thư từ cô con gái của Elsa ám chỉ, nhà khoa học lừng danh từng gặp khó khăn trong việc quyết định nên cưới mẹ hay con gái. Trong cuộc hôn nhân thứ hai này, Einstein vẫn giữ thói trăng hoa và có thêm nhiều mối quan hệ ngoài luồng. Tuy nhiên, ông vẫn chung thủy với một thứ: vật lý. Các bức thư của Einstein cho thấy sự thất thường của ông đối với các giả thuyết do chính mình đưa ra, tương tự như tình cảm đối với các “bóng hồng” trong cuộc đời mình. Nhiều lần, ông tin mình đã tìm ra bài giải đúng đắn, nhưng ngay sau đó lại bác bỏ nó. Nỗ lực tìm kiếm một thuyết thống nhất, có thể giải thích mọi không gian và thời gian trong vũ trụ của Einstein đã được phản ánh tương ứng trong đời sống cá nhân của ông, và được tiếp tục cho tới khi ông qua đời. Einstein từng tuyên bố, ông đã bán bản thân, cả thể xác và linh hồn, cho khoa học. Dẫu vậy, thiên tài khoa học vẫn còn nhiều điểm rất giống với phần còn lại trong chúng ta. Con người đời thường của ông đầy rẫy những thiếu sót và dễ bị cám dỗ. “Một tài năng xuất chúng như vậy cần phải không thể chê trách được ở mọi khía cạnh. Nhưng thế giới tự nhiên không hành xử theo cách đó. Tự nhiên ban tặng rất ngông cuồng và lấy đi cũng rất quái gở”, bà Elsa viết về chồng trong một lá thư. |