Rùng rợn nghe chuyện Hổ ăn thịt người
Từ thành phố Thanh Hóa, theo QL45, rồi qua QL217 dài gần 150 km với
nhiều đoạn đèo dốc, chúng tôi ngược lên huyện vùng biên Quan Hoá. Đến
thị trấn Hồi Xuân muốn vào xã Trung Thành còn phải vượt qua quãng đường
50 km chạy giữa những vách núi dựng đứng và dòng sông Mã hung dữ. Đó là
chưa kể đến những đường mòn đất đỏ lầy lội cứ bám riết bánh xe.
Đường vào xã Trung Thành, huyện Quan Hóa.
Để đến được xã Trung Thành, chúng tôi lại phải ngược qua huyện Mai
Châu, tỉnh Hòa Bình bởi sự cách trở của dòng sông Mã hung dữ với nhiều
núi cao, vách dựng đứng. Theo bà con dân tộc Thái nơi đây cho biết, xưa
kia vùng này rất nhiều thú dữ, từ thời Pháp thuộc trở về trước, người
dân nơi đây không ai dám đi rừng, đi nương một mình.
Tìm đến nhà Trưởng bản Phai - ông Phạm Bá Ngọc, ngồi nghe ông kể về
những chuyện hổ ăn thịt người mà... rợn cả người. Theo ông Ngọc, từ xa
xưa, ở vùng đất này đã có hàng chục người bị hổ ăn thịt. Vừa trò chuyện,
ông vừa chỉ tay về ngôi nhà sàn phía trước vườn và nói: “Một buổi trưa,
cô tôi đang ngồi chải tóc ở cầu thang thì bị cọp vồ, tha vào rừng. Dân
bản hô hoán, tay gậy tay đao lần theo dấu chân hổ. Vào rừng sâu khoảng 2
km thì tìm được cô tôi nhưng chỉ còn một phần thi thể".
Qua lời giới thiệu của Trưởng bản Phai, chúng tôi tìm gặp già làng
Phạm Bá Ngoằng, ở bản Phai, xã Trung Thành. Già Ngoằng năm nay đã 70
tuổi - là người nắm rất rõ về lịch sử vùng đất thiêng này. Trời đã tối,
trong ánh lửa bập bùng nơi “sơn cùng thủy tận”, giọng nói già vẫn sang
sảng giữa núi rừng. Chỉ tay về dãy núi phía trước, già Ngoằng cho biết,
đấy là dãy núi Khò Hùng tại bản Cá giống hình dáng con rồng cuộn. Từ
xưa, ai đến vùng đất này lập nghiệp cũng đều khá giả. Người dân bản địa
đều tự hào rằng, tuy ở nơi rừng thiêng và hiểm trở nhưng toạ lạc nơi
mạch đất rồng nên đời sống bà con ngày càng hưng vượng.
Một góc bản Phai, xã Trung Thành - nơi có tới 2 khu mộ cổ.
Phiến đá của ngôi mộ cổ tại khu vườn gia đình anh Hà Minh Tâm.
Như được cởi lòng mình giữa núi rừng hoang vu, già Ngoằng cứ thế lúc
nhâm nhi chén rượu nồng ánh mắt nhìn xa xăm, lúc lại trầm tư mỗi khi nhớ
về kỷ niệm buồn. Qua câu chuyện của già từ chuyện hòn đá bốn chân được
coi là thuỷ thần, đến tảng đá Han dưới dòng suối Quýt linh thiêng, rồi
những khu mộ cổ vẫn hiện hữu giữa khu dân cư... Tất cả đều được dân bản
tôn thờ.
Rồi già lại kể về những bí ẩn về những ngôi mộ cổ kỳ bí bên dòng suối
Tàu, thuộc bản Phai xã Trung Thành. Với người dân địa phương, ngay cả
ban ngày, nhiều người vẫn không dám vào khu vực này một mình.
Bí ẩn những ngôi mộ cổ chưa lời giải
Đường đi khó khăn, lại xa xôi, những người trong đoàn chúng tôi ai
cũng nản khi hỏi đường vào khu mổ cổ. Bởi biết chúng tôi không phải là
người địa phương nên người dân nơi đây không chỉ đường vào khu mổ cổ.
Khi tìm đến được nhà già làng Phạm Bá Ngoằng, chúng tôi mới thực sự yên
tâm bởi, già chính là người hiểu rõ về đường đi, lối lại trong các khu
mộ cổ nơi đây.
Nhiều phiến đá ở các khu mộ cổ đã bị gãy.
Theo người dân địa phương, hiện nay, tại bản Phai xã Trung Thành có
tới hai khu mộ cổ. Một khu toạ lạc ngay trong khu dân cư, thuộc đồi rừng
gia đình anh Hà Minh Tâm. Khu còn lại nằm cạnh dòng suối Tàu, cách dân
bản khoảng 4 - 5 ngọn đồi, giữa bốn bề cây rừng rậm rạp.
Sau một đêm nghỉ lại giữa núi rừng cùng bà con dân bản, sáng hôm sau,
theo chân già Ngoằng, chúng tôi đến khu mộ trên đồi gia đình anh Tâm.
Từ xa, một quần thể hơn chục ngôi mộ nằm xen với cây rừng rậm rạp. Nhiều
ngôi mộ cổ ở đây dài tới 7m. Một số ngôi mộ khác ngắn hơn cũng độ 5 -
6m. Đầu và cuối các ngôi mộ đều được chôn các phiến đá lớn theo hướng
dựng đứng. Phiến đá phần đầu thường lớn hơn phiến đá cuối mộ. Nhiều
phiến đá to cỡ chiếc chiếu, cao từ 2 đến 4m, rộng hơn 1m, dày khoảng từ
10 đến 20 cm.
Theo trưởng bạn Phạm Bá Ngọc và già Ngoằng, điều đặc biệt là trong
vùng không có loại đá này. Và cho đến tận bây giờ, người dân địa phương
nơi đây vẫn chưa thể lý giải được, đây là khu mộ của tộc người nào, có
từ bao giờ? Và không biết những phiến đá này được đưa từ đâu về đây xây
mộ? Làm cách nào họ có thể ghè đẽo được những tảng đá thành tấm lớn như
vậy? Những phiến đá nặng hàng tấn, bằng cách nào mà họ đưa được đến
đây?...
Những khám phá đầu tiên từ thời thuộc Pháp về khu mộ cổ Quan Hóa.
Theo lời già Ngoằng và các tài liệu lịch sử của địa phương thì người
Thái đến vùng đất này lập nghiệp từ thế kỷ XVII. Khi đến đây, họ đã thấy
có những ngôi mộ này.
Trước đây, một ngôi mộ lớn đã được đào thử, xuống khoảng 1m, người
ta thấy có lớp than đen. Do sợ vấn đề tâm linh, người dân đã lấp lại.
Cách đây ít năm, cũng có thông tin một nhóm người dưới xuôi lên, dùng
máy dò kim loại và đã khai quật trộm một ngôi mộ. Có người dân bản đi
qua khu vực này phát hiện có nồi đất dưới mộ được họ đào lên.
Qua bao biến thiên của thời gian, mưa lớn, nhiều phiến đá đã bị đổ nghiêng hay trâu bò làm gẫy nên chỉ còn phần chân.
Theo người dân địa phương, ngoài hai khu mộ cổ tại bản Phai, trong
vùng còn có một khu khác tại bản Trung Lập, một khu tại bản Trung Thắng,
xã Trung Thành và một khu tại bản Bai xã Thành Sơn, mỗi khu cũng có gần
chục ngôi mộ. Vào năm 2000, các nhà khoa học cũng phát hiện một khu mộ
tương tự tại bản Co Me, xã Trung Sơn (Quan Hoá).
Nhưng, về chủ nhân của ngôi mộ đá lớn nhất nghĩa địa Co Me, cũng có ý
kiến cho rằng đó là mộ của ông Tiều. Theo dã sử của địa phương, từ ngàn
xưa một vị thủ lĩnh người Thái đến đây lập nghiệp. Vì không biết rõ
tên, họ của ông nên bà con quen gọi một cách kính ngưỡng là ông Tiều
(theo tiếng Thái là ông Cả, ông Trưởng).
Những khu mộ cổ này vẫn còn là những bí ẩn chưa có lời giải.
Ông Tiều là người có công lập bản cách đây mấy trăm năm, khi đem một
đoàn thuyền lớn chở đầy lương thực, muối và tiền bạc ngược dòng sông Mã
đến đây. Ông Tiều chết bình thường, không có liên quan gì đến chuyện bị
hổ vồ cả, còn nguyên nhân dựng lên những phiến đá lớn thì bà con đều
không biết. Những người Thái hiện nay vẫn chôn cất người thân trong các
khu rừng mộ với những viên đá nhỏ đặt xung quanh mộ, dù hổ từ lâu đã
không về bản quấy phá, chỉ để đánh dấu và tránh bị loài thú lớn như trâu
bò xâm hại.
TS Phạm Văn Tuấn - Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa
cho biết: "Chúng tôi từng nghe đến một ngôi mộ đá có chữ Hán ở bản Co
Me, xã Trung Sơn, ngành chức năng vừa có văn bản yêu cầu kiểm tra thực
trạng về ngôi mộ này để bảo quản. Lần đầu tiên chúng tôi nghe nói và
được xem những hình ảnh do phóng viên cung cấp về khu mộ đá ở Trung
Thành. Trong thời gian ngắn tới, chúng tôi sẽ mời các nhà nghiên cứu về
mộ cổ ở Viện khảo cổ học Viện Nam cùng với ngành chức năng địa phương về
kiểm tra để có đánh giá khoa học về khu mộ đá cổ ở Quan Hóa". |