Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF),
Nhóm Nghiên cứu Sao la (SWG) của Ủy ban vì Sự sống các Loài, thuộc IUCN
và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) đã lên tiếng cảnh báo loài
này đang trên đường tuyệt chủng do bị săn bắt ráo riết và công tác quản
lý kém hiệu quả tại các khu bảo tồn.
Ẩn số…Sao La
Ông Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF-Greater Mekong cho biết;
“Sao la là loài động vật vô cùng nhút nhát, hiếm khi có thể bắt gặp
được chúng. Mặc dù Sao la cư trú trong một vùng rất hẹp nhưng vẫn chưa
có nhà khoa học nào tận mắt nhìn thấy chúng trong tự nhiên. Các cá thể
Sao la bị bắt đều không sống được trong điều kiện nuôi nhốt”.
Do đặc tính lẩn trốn con người nên các nhà khoa học chưa thể đánh giá
được số lượng chính xác của quần thể Sao la. Ông William Robichaud, Điều
phối viên Nhóm Nghiên cứu Sao la phỏng đoán: “Trường hợp khả quan nhất,
có thể vẫn còn khoảng vài trăm cá thể Sao la ở ngoài tự nhiên, xấu nhất
thì chỉ còn khoảng vài chục cá thể”.
Sao la (Ảnh: WWF) |
|
Mặc dù việc phát triển các cơ sở hạ tầng đang xâm lấn sinh cảnh sống của
Sao la, nhưng mối de dọa lớn nhất với loài vật này vẫn là các hành vi
săn bắt trộm. Sao la thường bị dính bẫy của thợ săn, vốn dùng để săn bắt
các con vật khác như hươu, mang, lợn rừng, v.v… Những loài này đem lại
lợi nhuận lớn hơn trên thị trường buôn bán động vật hoang dã do nhu cầu
về thuốc Đông y tại Trung Quốc và thị trường ẩm thực tại Việt Nam và
Lào.
Cần lập các khu bảo tồn xung yếu
Sau khi tìm ra Sao la, Việt Nam và Lào đã xây dựng một mạng lưới các Khu
bảo tồn (KBT) tại vùng sinh cảnh của Sao la. Một số KBT đã thực hiện
các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn nạn săn bắn trộm. Tại KBT Sao la
tỉnh Thừa Thiên Huế, WWF hiện đang hỗ trợ một phương pháp tuần tra rừng
mới, đồng quản lý bởi WWF và KBT và bước đầu đã cho nhiều kết quả tích
cực. Từ tháng Hai năm 2011, trong quá trình đi tuần tra rừng trong KBT,
các cán bộ tuần tra đã dỡ bỏ được hơn 12.500 bẫy và gần 200 lán của các
nhóm lâm tặc.
TS Barney Long, Chuyên viên về Loài ở châu Á của WWF-Mỹ cho biết: “Chính
phủ Việt Nam và Lào rất cần thành lập các khu bảo tồn xung yếu. Tuy
nhiên, nếu không nỗ lực để thực hiện các biện pháp quản lý mới nhằm bảo
vệ sinh cảnh của Sao la thông qua việc phá bỏ các bẫy săn bắt trộm, các
khu bảo tồn này sẽ chỉ còn là những đường vẽ trên bản đồ mà thôi”.
“Nếu giảm được các vụ săn bắt, tương lai của loài này sẽ khả quan hơn”,
ông Chris Hallam, Cố vấn Quy hoạch Bảo tồn WCS-Lào nói. “Điều này đòi
hỏi phải tăng cường lực lượng bảo vệ rừng trong khu vực sinh cảnh của
Sao la, phải có thêm trợ cấp cho nỗ lực bảo tồn của họ và nhất là phải
giảm được nhu cầu thực phẩm và thuốc đối với động vật hoang dã”.
Tính khẩn cấp về những nỗ lực cứu loài Sao la càng tăng lên khi tê giác
Java – một loài biểu trưng khác của Việt Nam được tuyên bố đã bị tuyệt
chủng khi cá thể tê giác cuối cùng bị giết bởi những kẻ săn trộm vào năm
2010.
“Năm nay chúng ta làm lễ kỷ niệm năm thứ 20 phát hiện ra Sao la, nhưng
đây cũng sẽ là lễ kỷ niệm cuối cùng nếu những biện pháp cấp thiết không
được thực thi.” ông Hallam nói thêm. |