Thôn Á Lữ, xã Đại
Đồng Thành, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) nằm bên bờ sông Đuống hiền hòa
quanh năm chở phù sa cho vụ mùa tốt tươi. Đứng trên triền đê xa xa nhìn
về phía khu lăng mộ Kinh Dương Vương toàn một màu xanh mướt. Những cây
cổ thụ cao vút trời xõa tán che kín cả một vùng.
Bà Nguyễn Thị
Vân, một người dân nói với chúng tôi đầy tự hào, thành kính và như có
phần am hiểu: "Vùng đất này linh thiêng lắm. Nơi đây là kho tàng văn hóa
một thời hưng thịnh", nhìn những cổ vật ngày ngày người dân nhặt được ở
bên bờ sông Đuống hay ở các ruộng ngô là biết liền". Để minh chứng cho
những gì mình nói là sự thật. Bà Vân dẫn chứng cho chúng tôi về một sự
kiện lạ và đặc biệt gần đây từ trước tới nay mà chính mắt bà thấy, tai
bà nghe.
Vào những ngày cuối tháng 1 năm 2012, dân hút cát săn
lùng sắt thép trên sông Đuống ngay trước vực đền Kinh Dương Vương và
bất ngờ phát hiện được một vật thể lạ, to và rất nặng dưới lòng sông
nhưng không có cách nào vớt chúng lên được. Mấy ngày sau, người dân lại
thấy thuyền, người neo đậu ở khu vực cũ để bắt đầu hành trình trục vớt,
săn lùng cổ vật.
Có đến cả chục người, những tay thợ lặn trên xà
lan, họ trang bị áo lặn, vòi dưỡng khí rồi lần lượt từng người một lao
mình xuống đáy sông mất hút. Cứ phải đến độ 30 phút một lần, chủ thuyền
lại giật giật chiếc dây thừng to và chắc dùng để "kết nối" với người thợ
lặn.
Phải ì ạch, vật lộn với dòng nước xoáy sâu, mất hơn 4 giờ
đồng hồ, đám thợ lặn và chủ thuyền dùng dây cáp, móc sắt, dây thừng và
các phương tiện như cẩu, kéo mới lôi được cổ vật từ dưới lòng sông lên.
Đó là hai chiếc thuyền độc mộc cổ có hình thù rất lạ kỳ chưa ai từng bắt
gặp, chúng úp vào nhau nhưng một chiếc đã bị vỡ vụn khi chưa đưa lên
khỏi mặt nước.
Người có "duyên" với thuyền cổ
Đó
là ông Lê Thành Nghị, hiện giảng dạy bộ môn Công nghệ tại Trường THPT
Thuận Thành II (Bắc Ninh). Đến nay, ông Nghị đã gắn bó 25 năm với "nghề"
sưu tầm đồ cổ, là thành viên trong Hội cổ vật Kinh Bắc.
Ông
Nghị kể về cơ duyên sưu tầm được thuyền cổ: Vớt được thuyền cổ, chủ xà
lan gọi điện đến những người chuyên chơi đồ cổ có tiếng ở Bắc Ninh. Được
biết, khi đó rất nhiều tay chơi đồ cổ thuộc hạng đại gia "máu me" đến
xem. Có người còn "đấu giá" đến cả trăm triệu nhưng cuối cùng cũng chẳng
ai mua. Nguyên nhân, theo ông Nghị thì đây là con thuyền độc mộc có
chất liệu bằng gỗ, họ không hiểu được giá trị văn hóa và giá trị lịch sử
nên việc từ chối mua con thuyền cổ này cũng dễ hiểu.
Một số
điện thoại lạ gọi vào số máy ông Nghị, lúc đó ông Nghị đang ở miền Nam.
Khi được họ giới thiệu qua về chiếc thuyền cổ, ngay lập tức ông Nghị
trao đổi với ông Nguyễn Đăng Vông vốn là nghệ nhân gốm Luy Lâu nổi
tiếng, cũng là nhà sưu tầm và khôi phục cổ vật để tìm cách mua bằng được
con thuyền này. Nếu chậm chân, sợ thuyền rơi vào người ít hiểu biết
không may lại làm hỏng nó đi.
Thế là họ phải bỏ tiền ra mua
thuyền, lên phương án kéo chiếc thuyền về bến Hồ. Thuyền được cẩu lên
hai chiếc xe cải tiến, chằng dây và buộc lại rất cẩn thận rồi thuê người
vận chuyển nó về cất giữ tại "kho" chứa đồ cổ của nhà ông Lê Thành Nghị
ở thị trấn Thuận Thành.
Ông Nghị cao hứng nói: "Dân sưu tầm đồ
cổ như chúng tôi thường có một linh cảm rất tốt. Lúc nghe thông tin về
con thuyền cổ, tôi đã nói với chủ trục vớt là chỉ có những người như
chúng tôi mới dám mua con thuyền này". Tôi gặng hỏi về giá con thuyền mà
ông Nghị đã mua thì nhận được câu trả lời từ chối khéo "giá vô cùng
lắm. Có mê chơi đồ cổ mới biết được. Dân chơi đồ cổ thường "kiêng kị"
khi có ai đó hỏi giá".
Sau khi thuyền độc mộc cổ nằm yên vị tại
nhà ông Nghị thì đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đến để tìm hiểu về con
thuyền. Theo số liệu ông Nghị cung cấp qua đo đạc, con thuyền có chiều
dài 9,7m, chiều ngang chỗ phình ra rộng nhất ở gần giữa con thuyền là
0,86m. Hai bên thuyền là những cặp mấu nhô ra đối xứng giữa hai mạn
thuyền. Điều này cho thấy, đủ chỗ cho 10 người trên thuyền.
Điều
kì lạ nhất là dọc hai bên mép mạn thuyền, người xưa đã đục mỗi bên 44
cái lỗ để xỏ dây và cái lỗ thứ 89 thì nằm ngay chính mũi. Có người bảo
đây là các lỗ để buộc dây cho mái chèo nhưng thực tế cho thấy không phải
vậy. Theo những gì mà cánh thợ lặn kể lại thì các lỗ ấy tạo ra nhằm để
buộc hai con thuyền lại với nhau bằng thứ dây giống lá dừa.
Thuyền
được làm từ một cây gỗ lớn, theo phỏng đoán của rất nhiều chuyên gia
nghiên cứu thì có thể đó là gỗ sưa hoặc gỗ cây bách vàng thì mới có thể
tồn tại ở dưới lòng sông lâu như vậy được. Quan sát kỹ, giả định người
làm nên chiếc thuyền đã dùng rìu, các vật cứng sắc nhọn nên các vết đẽo
còn để lại trên thân và lòng thuyền rất rõ, tạo nên một con thuyền hình
dạng thủy động học.
Ông cha ta ngày xưa rất thông minh, bằng
kinh nghiệm sông nước đã chế tác ra con thuyền giản được sức cản của
dòng nước và rất ổn định trên mặt nước. Nó có thể vượt dòng nước sâu
xoáy và dễ dàng quay ngược lại khi cần gấp. Tổng hợp những đặc tính
trên, có thể đánh giá đây là một con thuyền rất độc đáo.
Vì sao
hai con thuyền lại buộc úp vào nhau và được nhấn chìm dưới đáy sông ở
một vị trí là khúc sông trước cửa đền Kinh Dương Vương chiếu tiếp đến
lăng Sỹ Nhiếp ở hướng sau đền. Rất có thể đây là một nghi thức trấn yểm
quan trọng? Đây có phải là một cách chọn gửi văn minh kĩ thuật và trình
độ chinh phục sông nước tổ tiên ta thời dựng nước dưới đáy sông sâu để
con cháu nghìn năm sau còn biết được?
Những chuyện đồn đoán sau khi trục vớt
Trở
lại câu chuyện với những người vớt được thuyền cổ. Ngược xuôi để cố tìm
cho ra tung tích những người thợ lặn, chủ xà lan trực tiếp vớt con
thuyền cổ dưới lòng sông lên nhưng đều bặt vô âm tín. Manh mối duy nhất
mà ông Nghị cung cấp thì những chủ xà lan là người ở làng Tử Lê nằm ngay
bên dòng Đuống.
Còn những người lặn thuyền cổ hôm đó là thợ lặn
chuyên nghiệp đến từ Cẩm Phả (Quảng Ninh). Qua điện thoại, ông Nghị gọi
cho một số thợ lặn ở Cẩm Phả thì nghe họ bảo rằng: "Sau vụ đó, mọi
người sợ phát khiếp, giờ có còn ai theo nghề nữa đâu.
Một số anh
em bỏ nhà đi làm ăn xa. Người thì ốm đau triền miên..". Ngược triền đê
từ đền Kinh Dương Vương quay sang làng Tử Lê hỏi thăm chủ xà lan từng
vớt thuyền cổ thì đều nhận được những câu trả lời tương tự "bọn họ nghỉ
làm cái nghề này rồi nhưng không rõ nguyên do (nghề hút cát - PV)".
Một
số chủ bãi cát kể, cũng không biết rõ vì sao chủ xà lan kia lại bỏ
nghề, trong khi nghề hút cát ven suông Đuống đang "hái" ra tiền, nhiều
người muốn "xí phần" cũng chẳng được. Chứng kiến câu chuyện của những
tay thợ lặn và chủ xà lan, nhiều người dân rỉ tai nhau không biết đó là
sự trùng lặp ngẫu nhiên hay là sự trừng phạt vì họ đã xâm phạm đến lãnh
địa và "báu vật" vua chúa ngày xưa.
Dân hút cát cho biết thêm,
khu vực trước cửa đền Kinh Dương Vương có nhiều vực nước xoáy sâu phải
đến độ hơn 20 m. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, cát lại tập trung dồn về đó,
vị trí này cát rất nhiều. Đã nhiều lần họ cho thuyền, máy hút đến nhưng
đều gặp tai nạn, khi thì ống hút mắc vào ngầm đá không lôi lên được. Có
mấy tàu hút cát đã bị bục, thủng và đắm ở đó mấy phen khiến chủ tàu hú
vía.