Các
nhà khoa học đến từ trường Y tế cộng đồng Harvard (Mỹ) và trường Y tế
Norwich (Anh), đã tiến hành theo dõi chế độ dinh dưỡng của khoảng
130.000 đàn ông và phụ nữ, bao gồm 800 người đã phát triển bệnh
Parkinson trong vòng 20 năm.
Ăn những loại thực phẩm giàu flavonoit có thể giúp
giảm 40% nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở đàn ông.
Số liệu thu được cho thấy những người
đàn ông ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa flavonoit có nguy cơ
phát triển bệnh Parkinson thấp hơn 40% so với những người đàn ông ăn ít
thực phẩm giàu flavonoit.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy, những
người đàn ông ăn các loại quả mọng ít nhất 1 lần/tuần sẽ giảm 25% nguy
cơ mắc bệnh Parkinson so với những người đàn ông không ăn. Tuy nhiên,
các nhà nghiên cứu không nhận thấy kết quả tương tự trên phụ nữ.
Các chất chống ôxy hóa có tác dụng trung
hòa các gốc tự do - sản phẩm tiêu cực của quá trình trao đổi chất, có
thể phá hủy màng tế bào và ADN, trong khi, các tế bào não đặc biệt nhạy
cảm với gốc tự do. Điều này có thể giúp giải thích tại sao chất chống
ôxy hóa có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Nhóm nghiên cứu phát hiện anthocyanins -
một loại của chất flavonoit - có tác dụng chống mắc bệnh Parkinson hiệu
quả nhất. Chất anthocyanins có nhiều trong các loại quả mọng, như dâu
tây, quả mâm xôi và những loại rau quả khác như cà tím,...
Tiến sĩ Xiang Gao, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail:
“Không chỉ có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson, những nghiên
cứu trước đây cũng chứng minh các loại quả mọng còn có tác dụng giảm
nguy cơ tăng huyết áp. Vì thế, bạn nên thường xuyên ăn những loại quả
này".