Trong vai
người đi mua dây điện về lắp cho ngôi nhà mới xây, chúng tôi được chủ
cửa hàng bán phụ tùng, linh kiện điện-nước T.Tr., đường Tây Thạnh, Q.
Tân Phú, TP.HCM khuyên chỉ nên mua dây điện của hãng có tên tuổi. Dây
điện mang tên nhãn hàng của các hãng khác có rất nhiều và giá rẻ hơn,
nhưng chất lượng lại không được đảm bảo.
Vỏ, ruột đều dỏm
Ông chủ cửa hàng nói trên tiết lộ, các hãng thiếu uy tín này thường dùng
lõi đồng pha nhôm rất dễ bị đứt, hoặc phía trong là ruột nhôm và... mạ
đồng ở ngoài. Vỏ nhựa bảo vệ không dẻo rất dễ bị nứt, gãy. Quả thật, cầm
một dây điện hãng C. (một hãng sản xuất dây cáp điện tên tuổi trước
giờ) sẽ dễ cảm nhận dây điện của hãng này cứng hơn, vỏ nhựa dày, dẽo và
cho cảm giác độ an toàn cao hơn.
Đến cửa hàng điện nước T. Đ trênđường Lê Trọng Tấn, P. Bình Hưng Hòa, Q.
Bình Tân, TP.HCM, anh Thành, chủ cửa hàng ở đây cũng cho biết, thợ,
thầu lắp điện bao dây thường không mua của hãng C. mà mua của các hãng
khác để có lợi. Thường dây điện dỏm có tiết diện không đủ, ví dụ, dây
cáp điện ghi lõi 2,5mm, nhưng thực tế đường kính lõi chỉ có 2mm. Giá 1m
dây điện “gin” của hãng có tên tuổi (loại có tiết diện 3.5mmm) thường
đắt hơn 1.000đ/m so với dây điện cùng loại của các hãng ít tên tuổi.
Dây cáp điện trên thị trường có nhiều loại và giá cả khác khác nhau (Ảnh: Như Ý)
Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội
Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) tại 15 đơn vị sản xuất ở
TP.HCM và Bình Dương hồi giữa năm 2011 cũng cho thấy, trong số 36 mẫu
dây và cáp cách điện bọc nhựa PVC có đến 23 mẫu (chiếm tỉ lệ 64%) không
đạt yêu cầu về điện trở ruột dẩn, 9 mẫu (chiếm tỉ lệ 24%) không phù hợp
dùng cho dây điện gia dụng.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng
hoá, dây và cáp điện kém chất lượng thường không tuân thủ tiêu chuẩn về
ruột dẫn và vỏ bọc cách điện. Hiện tượng phổ biến nhất là rút bớt lõi
đồng của dây cáp, không bảo đảm tiết diện ruột dẫn, sử dụng loại đồng có
nhiều tạp chất, độ tinh khiết thấp, đường kính các sợi nhỏ và số sợi
thiếu, vì vậy, tiết diện của các ruột dẫn nhỏ hơn so với quy định làm
cho điện trở dây dẫn tăng, gây tổn thất điện. Khả năng chịu cường độ
dòng điện kém do tiết diện nhỏ và điện trở lớn, gây quá tải và phát
nóng. Thêm vào đó, phần vỏ cách điện của dây được làm bằng nhựa kém chất
lượng hoặc nhựa tái chế nên xốp, bở, giòn, dễ gãy nứt khi uốn, lắp đặt,
do vậy trong quá trình sử dụng nhanh chóng bị lão hóa, nóng chập cháy,
rò điện.
“Trốn” quản lý
Thị trường riêng mà một số doanh nghiệp nhắm đến là thị trường nông
thôn, nơi người dân ít quan tâm tới chất lượng và thiếu thông tin. Còn
khách hàng là các chủ thầu xây dựng, những người được chủ đầu tư khoán
phần vật tư, và họ thường chọn mua loại dây điện rẻ tiền để giảm bớt chi
phí. Sản phẩm dây và cáp cách điện kém chất lượng mang theo nguy cơ
tiềm ẩn như: sự cố chập cháy điện, rò điện ngầm… gây nguy hại tới tính
mạng và tài sản của người sử dụng.
Theo thông tin từ Vụ Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL), dây và cáp
cách điện bọc nhựa PVC trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải
thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy định của quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia QCVN 4:2009/BKHCN (QCVN 4).
Hiện nay, nhằm lách luật, có một số doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu
dây điện, cáp điện và cáp cách điện bọc nhựa PVC đã cố tình sản xuất và
nhập khẩu loại dây và cáp điện có mặt cắt danh nghĩa của ruột dẫn không
theo tiêu chuẩn quốc gia nói trên, dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý
nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát, đồng thời gây nhầm lẫn cho
người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng. Trên thị trường vẫn còn tồn đọng
khối lượng lớn loại dây và cáp điện có quy cách này.
Việc làm trên còn nhằm trốn tránh không phải thực hiện chứng nhận hợp
quy, gắn dấu hợp quy CR, đăng ký hồ sơ chất lượng theo quy định của quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 4.
|