Đại diện Viettel Telecom cho biết, do
mới tiếp nhận tuyến cáp biển Liên Á từ EVN Telecom nên sự cố đứt cáp AAG
lần này không ảnh hưởng gì đến thuê bao của Viettel.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công
ty VDC/VNPT, VNPT đã chuyển lưu lượng sang các hướng dự phòng qua Hồng
Kông và một số tuyến khác nên sự cố đứt cáp AAG không làm ảnh hưởng
nhiều đến thuê bao VNPT.
Tương tự VDC/VNPT, ông Vũ Anh Tú - Giám
đốc kỹ thuật FPT Telecom cho hay, đơn vị này đã chuyển thêm lưu lượng
từ tuyến cáp qua Hồng Kông và đất liền để bù đắp lưu lượng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, khách hàng khi liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài
bằng dịch vụ web, e-mail, thoại, video… vẫn bị ảnh hưởng tại một số thời
điểm. Các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.
"Trung tâm điều hành quốc tế của AAG
đang dò tìm chính xác vị trí đứt để điều động tàu sửa chữa tiến hành
khắc phục lỗi. Thông thường phải sau 2 tuần sự cố đứt cáp mới được khắc
phục", ông Tú cho biết thêm.
Trước sự việc ngoài mong muốn này, các
nhà cung cấp dịch vụ Internet đều khuyến cáo khách hàng nên sử dụng
Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, còn những dịch vụ
khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng
truyền tải.
Trước đó, ngày 20/12/2011, tuyến cáp
quang biển quốc tế AAG (phân đoạn Hongkong - Singapore) bị đứt cáp cách
điểm cập bờ Singapore 911 km và phải đến ngày 12/1/2012 kênh truyền mới
được khôi phục lại bình thường.
Dự án cáp quang biển AAG được khởi công
tháng 4/2007, tổng vốn đầu tư khoảng 560 triệu USD với chiều dài gần
20.000 km, bắt đầu từ Malaysia (TM) và kết cuối tại Mỹ (AT&T). AAG
có các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha
(Thái Lan), Tungku (Brunay), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao
(Philippinnes), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)...
Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km, cập bờ tại Vũng Tàu và chính thức hoạt động từ tháng 11/2009.