Vài ngày nữa chỉ
số giá tiêu dùng (CPI) tháng này sẽ được công bố. Tuy nhiên theo các
chuyên gia, 5 tháng đầu năm CPI có thể đạt ngưỡng 11% vì 4 tháng đầu năm
chỉ số này đã đạt 9,64%.
Quá nhiều khâu trung gian
Nếu DN xây dựng mua thép trực tiếp tại DN sản xuất thì sẽ không bị đội lên thêm vài trăm ngàn đồng mỗi tấn.
Ngày
19/5, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính),
dự báo CPI tháng này dù có giảm so với tháng trước nhưng vẫn trong đà
tăng.
Nguyên
nhân theo ông Thỏa là do rất nhiều mặt hàng đang bị phân phối theo kiểu
mua đứt bán đoạn với đại lý mà phương thức phân phối này lại được Luật
Thương mại cho phép.
Về
khâu bán buôn, ông Thỏa cho hay sản phẩm phân phối qua 5-6 cấp đại lý,
chi phí cứ thế đẩy lên và được cộng vào giá. Ngay như thép là mặt hàng
thuộc diện bình ổn giá, nếu doanh nghiệp (DN) xây dựng mua trực tiếp tại
DN sản xuất thì sẽ không bị đội lên thêm vài trăm ngàn đồng mỗi tấn.
Đằng
này DN thu gom cấp một bán lại cho DN thu gom cấp hai… Cứ thế, mỗi anh
đẩy một tí để kiếm lợi nhuận. DN sản xuất chỉ biết sản xuất mà không
chịu trách nhiệm đến cùng giá sản phẩm của mình, người tiêu dùng bị
thiệt thòi nhất. Nhưng xét về góc độ pháp lý, các DN trên không phạm
luật.
Còn
với mặt hàng xe máy, nhiều cửa hàng đại lý bán cao hơn giá niêm yết
nhưng ghi hóa đơn theo giá bán của DN sản xuất. Theo ông Thỏa, rõ ràng
là các cửa hàng này đang có hành vi trốn thuế và làm sai quy định về
niêm yết giá, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý giá và thuế ở địa
phương.
Ông
Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho hay có địa phương
vừa báo cáo rằng có hiện tượng giá bình ổn cao hơn giá nơi không bình
ổn. Điều đó do chúng ta không tìm được hàng tại gốc để mua trong khi
phải cộng quá nhiều chi phí. Còn hàng bán ở ngoài, không trong hệ thống
được bình ổn thì giá rẻ hơn do trốn thuế.
Do
vậy ông Phú khuyến cáo điều cần làm trước hết là tạo sự kết nối giữa
nhà sản xuất và bán buôn, để cắt bớt các khâu trung gian. Về bình ổn
giá, không nên tham quá nhiều mặt hàng, chỉ cần làm tốt năm mặt hàng là
gas, sữa, đường, dầu ăn và thịt heo là đủ rồi.
Tăng giá là hợp lý?
Theo
ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ
Công Thương, việc giá cả hàng loạt các mặt hàng tăng mạnh từ đầu năm đến
nay không phải do khâu phân phối bị mua đứt bán đoạn, bị buông lỏng.
Lý do khách quan là mặt bằng giá cả thế giới đang đứng ở mức cao mà chúng ta không thể đứng ngoài quỹ đạo này.
Còn
nguyên nhân chủ quan, chỉ số giá tiêu dùng mấy tháng qua đã nói lên
điều này là do chúng ta tăng đồng loạt một số mặt hàng thiết yếu cùng
một lúc như giá xăng dầu, điện, than…
Qua
đó cho thấy xu thế tăng giá là khó tránh khỏi và không chỉ nằm trong
khâu phân phối. Chúng ta dùng quá nhiều và quá lâu các mệnh lệnh hành
chính để quản lý giá trong cơ chế thị trường là điều không nên.
Ông
Phạm Tất Thắng cho rằng việc yêu cầu các DN sản xuất và phân phối đầu
mối đăng ký giá là điều cần thiết nhưng ở hệ thống phân phối bán lẻ tăng
giá khi chi phí vận chuyển, nhân công, rồi thuê địa điểm kinh doanh…
đều tăng thì việc tăng là điều hợp lý. Cái này để thị trường tự điều
chỉnh.