heo cảnh báo mới nhất của một nhóm nhà khoa học Đức,
các chất gây ung thư và độc tố có thể thoát ra ngoài khi người dùng bật
đèn, trong đó có hơi phenol, naphthalene và styrene. Vì thế, theo họ,
người tiêu dùng không nên bật đèn trong thời gian dài, đặc biệt khi đèn
để ở vị trí gần đầu.
Phản ứng trước việc này, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám
đốc Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hoá điện hoá, Hà
Nội, một chuyên gia nghiên cứu sản xuất bóng đèn huỳnh quang compact ở
Việt Nam, cho rằng đó là "thông tin phản khoa học".
Theo tiến sĩ Khải, loại đèn này có cấu tạo gồm ống thủy tinh, dây tóc kim loại, khí krypton hoặc thủy ngân và bột huỳnh quang.
Nguyên lý hoạt động của nó như sau: Dưới tác dụng của
dòng điện, dây tóc kim loại nóng lên, các điện tử thoát ra ngoài dây tóc
và chạy về cực đối diện. Trên đường đi, chúng va chạm với hơi thủy
ngân, làm thủy ngân phát xạ bức xạ cực tím. Bức xạ này tác dụng với bột
huỳnh quang làm phát ra ánh sáng có bước sóng dài hơn chẳng hạn như dải
phổ màu trắng.
"Như vậy, với một ống đèn kín thì khi bật lên không
thể có hơi gì thoát ra ngoài được. Cũng không thể có hơi phenol và các
khí khác sinh ra ở đây. Giả sử nếu nhà sản xuất có bỏ thêm phenol và các
chất độc hại vào trong đó thì các khí này cũng không thể bay ra ngoài
ống kín", ông nói.
Cũng theo tiến sĩ Khải, trong dải phổ ánh sáng màu
trắng mà đèn huỳnh quang compact phát ra, có một dải nhỏ màu tím. Nếu
nồng độ nhỏ thì không gây hại gì, nếu nồng độ lớn hơn thì có thể làm mắt
khó chịu, không nhìn lâu được. Tuy nhiên, "khi các điện tử va chạm vào
thủy ngân, bột huỳnh quang, năng lượng của chúng rất nhỏ, nên các tia
độc hại phát ra coi như không có", ông Khải khẳng định.
Cũng về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Trung Hà, chuyên gia về điện, từng công tác tại Viện nghiên cứu thiết kế trường học, ví von:
"Không ai có thể phủ nhận những lợi ích từ việc sử dụng loại đèn này
mang lại. Thế nhưng, nhiều người lại đặt câu hỏi là liệu dùng nó có an
toàn, điều này cũng giống như hỏi nhà máy điện hạt nhân có an toàn. Về
lý thuyết là nó có nguy cơ khi vỡ bóng đèn, cũng như khi nổ nhà máy điện
hạt nhân".
Theo ông, trong loại bóng đèn này có chứa một nồng độ
nhất định những chất có khả năng gây ung thư như thủy ngân ở dạng hơi.
Khi bóng đèn bị vỡ, những chất có trong đó thoát ra ngoài môi trường,
tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến mức nào đến nay vẫn chưa có kết luận
cuối cùng. Hơn nữa, nồng độ các chất này do nhà sản xuất kiểm soát để
đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm.
Về phía nhà sản xuất, ông Lê Quốc Khánh, Phó tổng giám
đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho rằng nếu nói chất
độc hại trong bóng đèn thì chỉ có thủy ngân, nhưng nó ở trong bóng kín,
chỉ khi bóng vỡ, thủy ngân mới thoát ra ngoài.
Trong một lần trao đổi với VnExpress.net
trước đây, bà Ngô Ngọc Thanh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Rạng
Đông (khi đó giữ chức phó giám đốc công ty) cho biết bóng đèn huỳnh
quang của Việt Nam cũng như nhiều nước lân cận đều sử dụng thuỷ ngân ở
dạng hạt hoặc dạng hơi để làm chất xúc tác phát quang. Ở sản phẩm huỳnh
quang compact của công ty, thuỷ ngân được dùng ở dạng viên, tức là đã
bọc trong một lớp bảo vệ nên có tính an toàn cao hơn.
Tuy nhiên, bà Thanh vẫn khuyến cáo dù sao thuỷ ngân
cũng độc, nên người tiêu dùng không nên tự đập bóng đèn ra. Nếu chẳng
may bị vỡ, phải thu dọn ngay vào túi nilon, khi thu dọn phải đeo khẩu
trang chống độc.
|