Người ta vẫn gọi Nguyễn Quang Hiển là Hiển "cá sấu". Không có nhiều thành tích nổi trội trong học tập, Hiển kể, hồi học cấp hai trường làng, anh còn thậm chí suýt bị đuổi học vì quá nghịch ngợm. Sợ con chán nản bỏ học giữa chừng, bố mẹ anh gửi vào Nam. Tốt nghiệp đại học tại TP HCM năm 2002, Hiển không ra Bắc cũng chẳng xin việc như bạn bè mà mở xưởng cơ khí và sau đó hai năm đi buôn hàng điện tử. "Người ta vẫn nói 'phi thương bất phú', nhưng sau hai năm đi buôn, tôi chỉ cảm nhận được những nỗi vất vả, cực nhọc mà lời lãi không được nhiều", Hiển chia sẻ. Cơ duyên của anh với loài cá sấu đến đến trong một lần đi chơi nhà bạn, thấy mô hình này đem lại hiệu quả cao, lại không quá vất vả, mà thị trường tiêu thụ rất tiềm năng nên anh mày mò học theo. | 31 tuổi, Nguyễn Quang Hiển là chủ của hai trang trại cá sấu giá bạc tỷ. Ảnh: Tuệ Minh |
Năm 2004, Nguyễn Quang Hiển dồn hơn 200 triệu đồng- số tiền tích cóp được từ những ngày làm sắt, đi buôn đồ điện tử và vay mượn từ người quen, bạn bè để mở trại nuôi cá sấu. Thời gian đầu, Hiển làm chung với một người bạn, trang trại đặt tại tỉnh Vĩnh Long. Năm 2007, anh di cư loài bò sát hung dữ này ra Bắc, đặt trang trại tại quê nhà. Một năm sau, gặp vận đen, anh gần như trắng tay khi toàn bộ số cá sấu 1.800 con lăn ra chết sạch. Về thất bại đau xót này, Hiển bảo, mãi mới biết nguyên nhân là thời tiết mùa đông và trận mưa lịch sử năm 2008. "Cá sấu vốn không chịu được rét, lại bị 'ngã nước' do nước mưa ngâm thân đậu tương lâu ngày tràn vào, nên mới chết nhiều", Hiển kể. Thất bại, nợ nần, Hiển về nhà xin bố mẹ cho cắm sổ đỏ để vay vốn ngân hàng, tiếp tục sự nghiệp nuôi cá dữ. "Chiến tranh" gia đình nổ ra, mẹ anh nhất quyết không cho tiếp tục, còn những thành viên khác trong gia đình cũng kịch liệt ngăn cản vì quá mạo hiểm, sợ vay rồi không trả được. Tuy nhiên, anh đã thuyết phục được cả gia đình bằng lý lẽ: Không liều thì khó có thể làm giàu. "Nếu so với các ngạch kinh doanh khác thì đây là số lãi chẳng thấm vào đâu. Tuy nhiên, mừng nhất là người dân quê tôi, nhờ chú Hiển, mà nhiều người có việc làm", ông Phan Ngọc Tiền, người đang được giao trông coi trang trại cá sấu nói.Hiện tại, trang trại cá sấu của Hiển đặt tại xã Thọ Xuân (Đan Phượng, Hà Nội) có 10 chuồng nuôi. Còn trang trại đặt tại tỉnh Vĩnh Long có khoảng 500 cặp cá sấu bố mẹ. Sức chứa mỗi chuồng khoảng 400-500 con. Có thời điểm, các chuồng chật kín, tổng số lượng lên tới 5.000 con. Tính chung mỗi năm trang trại của Hiển nuôi và xuất bán cho các hộ nông dân 10.000 con, doanh thu khoảng hơn 30 tỷ đồng. Trừ tất cả các chi phí, ông chủ trại cá sấu cũng để ra được 2-3 tỷ đồng. | Có thời điểm, số lượng loài bò sát này tại trang trại của Hiển "cá sấu" lên tới 5.000 con. Doanh thu mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng. Ảnh: Tuệ Minh |
Theo ông Tiền, từ ngày anh Hiển mở trang trại, những người thân, bạn bè của anh đều có công ăn việc làm ổn định. Hiện tại, thu nhập thấp nhất của người chăm sóc cá sấu tại đây là 2,5 triệu đồng một tháng. Những người thường xuyên phải giao dịch, xuất nhập hàng lương từ 7 đến 8 triệu đồng. "Với người ở ngoại thành, không có việc làm ổn định, thì trang trại này của Hiển như là phao cứu sinh. Ở đây, nhân viên cũng đi làm hàng ngày, được nhận lương hàng tháng", anh Sử, anh họ của Hiển, cũng là nhân viên trang trại chia sẻ. Nguyễn Quang Hiển cho hay, song song với nuôi tại nhà, anh còn bán con giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho nhiều nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn... và các tỉnh thành lân cận Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ... Hiện tại, có khoảng 20 trang trại tại Hà Nội đang triển khai mô hình này. Công ty của Hiển lại cam kết mua lại cá sấu thương phẩm từ các hộ chăn nuôi này. Anh Hiển cho biết, trang trại cung cấp giống cho người nuôi và bảo hành trong vòng một tháng, chết con nào đổi con nấy. Trong vòng năm tháng tiếp theo, nếu người mua gặp rủi ro khi cá sấu chết, thì phía đơn vị cung cấp sẽ mua lại da. Giá thịt cá sấu thời điểm này khoảng 185.000 đồng một kg (cân nguyên con). Nếu đã lột da, giá chỉ khoảng 160.000 đồng. Riêng da đắt hơn, 500.000 đồng cho mỗi miếng có chiều ngang rộng 10 cm. Một con cá loại 10kg, tiền da bán được 1,7 triệu đồng. Nhưng với con 20kg, tiền da lên tới 3,4-3,5 triệu đồng. Mỗi con cá sấu giống có giá bán khoảng 1,4 triệu đồng, mất hai năm từ khi bắt đầu nuôi là có thể xuất chuồng. Nhưng vì cung không đủ cầu, nên phần lớn khi cá đạt trọng lượng khoảng 18-20 kg thì chủ chuồng đã rục rịch xuất đi. "Những người ở quê cũng đang có xu hướng mua thịt cá sấu về làm cỗ cưới. Giá bán thường dao động trong khoảng 120.000-140.000 đồng một kg", Hiển tiết lộ. | Không chỉ làm giàu cho mình, Hiển "cá sấu" còn tạo công ăn việc làm cho những người cùng quê. Thu nhập mỗi tháng của những người chăm cá sấu mỗi tháng từ 2 triệu 500 nghìn đồng đến 8 triệu đồng, tùy công việc. Ảnh: Tuệ Minh |
Là người Bắc vào Nam học tập và lập nghiệp, Hiển kể, tất cả các kinh nghiệm nuôi và chăm sóc cá sấu anh đều tự mày mò học. Anh chia sẻ, nuôi cá sấu cũng là nghề ít người biết nên hầu hết những người đi trước chỉ chỉ bảo một phần, còn kinh nghiệm phải đúc rút dần dần. Hiển cho hay hồi mới mang cá sấu ra Bắc, không biết cách chăm sóc nên cá còi cọc, mãi không lớn được. Mãi sau này, anh mới biết nguyên nhân, là loài này không quen với khí hậu lạnh của miền Bắc. Biện pháp khắc phục của ông chủ trang trại là đào ao sâu thêm để giữ ấm. Ngoài ra, thay vì làm tường bằng sắt thì Hiển đổ tường bê-tông và lắp mái che để chắn gió, chắn nắng. Tham vọng của Hiển "cá sấu" không dừng lại ở số lãi 3 tỷ đồng một năm. Anh cho hay, vừa mới thuê được một mảnh đất lớn đối diện với trang trại để mở rộng kinh doanh. "Nếu chỉ dừng lại ở nuôi và xuất thô, thì lợi nhuận đem lại cũng chỉ là vài tỷ một năm, chỉ tạo công ăn việc làm được cho chục người. Cái tôi muốn đạt được là tăng thêm doanh thu và nhiều người dân có thêm công ăn việc làm hơn nữa từ mô hình này", Hiển bày tỏ. Dự tính thành lập cơ sở sản xuất thành phẩm từ da cá sấu, Nguyễn Quang Hiển cho hay, đã cử 6 nhân viên đi học khóa học về thuộc da, làm thắt lưng, túi, ví... Song song với chế tạo các sản phẩm làm từ da cá sấu thô, Hiển "cá sấu" dự định triển khai mô hình du lịch sinh thái. Khách đến tham quan trang trại, ngoài được ngắm loài bò sát sát thủ này, còn được tham quan khu chế tác các sản phẩm và được thưởng thức những món ăn được làm từ cá sấu, anh nói. |