Nghiên
cứu của TS Phạm Đức Thi, KS Nguyễn Thu Bình, Hội Bảo vệ thiên nhiên và
môi trường Việt Nam cũng ghi nhận sự biến đổi rõ rệt tại khu vực Nam
Trung bộ và Tây nguyên. Nhiệt độ ở thành phố Đà Lạt đang nóng dần lên,
sự khắc nghiệt gia tăng với biên độ nhiệt dãn cách đột biến chưa từng
thấy: chênh nhau giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất bình quân từ 8-10
độ C trong những năm trước đây, nay tăng lên 12-15 độ C.
Bắt đầu từ năm 2007,đã có một số ghi
nhận về một số thay đổi sinh thái ở Đà Lạt. Sâu bệnh lạ xuất hiện nhiều
hơn những mùa vụ gần đây. Các thứ cây chịu nóng miền đồng bằng dưới kia
như đu đủ, mía, phượng hồng… trước đây không thể trồng ở Đà Lạt thì giờ
thấy xuất hiện nhan nhản. Nghĩa là trồng “vô tư” vẫn trổ bông, đơm trái.
Ngay cả loài hoa như mai, anh đào..., giờ mỗi năm trổ mỗi khác, không
theo chu kỳ nào cả.
TS Phạm Đức Thi băn khoăn, Đà Lạt với
mức độ tăng của nhiệt độ không cao mà hệ sinh thái đã có những biến động
lớn như vậy thì với mực độ tăng cao của nhiệt độ trên độ cao từ
100-800m, hệ sinh thái sẽ còn biến động đến mức nào? “Câu hỏi này đòi hỏi các nhà khoa học phải tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ”, TS Thi nói.
Các nhà khoa học trên thế giới nhận
định, do nóng lên toàn cầu, các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái lục
địa và nước ngọt sẽ dịch chuyển về phía cực, đồng thời cũng dịch chuyển
lên cao hơn. Khi ấy các loài thực vật, động vật nhiệt đới có thể phát
triển ở các vĩ độ cao hơn hoặc trên những vùng núi, cao nguyên cao hơn
trước. Trái lại, các loài ưa lạnh sẽ bị thu hẹp lại hoặc phải di cư đi
nơi khác.