Nghiên
cứu của Liên hợp quốc đề xuất các biện pháp chiến lược để nuôi sống dân
số toàn cầu trong bối cảnh dân số và nạn nghèo đói trên thế giới đang
tăng lên trong khi các hệ sinh thái trên Trái Đất suy thoái. Khoa học
đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển
để hòa nhập an ninh lương thực và sản xuất nông nghiệp bền vững.
Đặt khoa học vào trung tâm của phát
triển bền vững; trong đó có nông nghiệp bền vững, đã trở thành thách
thức đối với chiến lược phát triển của các quốc gia. Nông nghiệp phải có
sức bật phục hồi mạnh hơn và phát triển nguồn tri thức khoa học sẽ thúc
đẩy sự bền vững của an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu của các nhà khoa học 13 nước
hàng đầu thế giới vừa được công bố ở London (Anh) cũng khẳng định vai
trò và trách nhiệm của khoa học trong việc ngăn chặn khủng hoảng môi
trường, đảm bảo cung cấp lương thực chất lượng và giảm tác động của biến
đổi khí hậu. Trong khi 12 triệu hécta đất nông nghiệp bị suy thoái hàng
năm, các sự kiện thời tiết cực đoan đã gây tổn thất nông nghiệp toàn
cầu tới 11,4 tỷ USD trong năm 2011. Khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực hàng
năm, chiếm 1/3 sản lượng lương thực để nuôi sống con người trên toàn
cầu, đang bị tổn thất hoặc bị lãng phí.
Thách thức trong vài thập kỷ tới là hòa
nhập khoa học vào cuộc chiến tăng sản xuất lương thực mà không gây tổn
hại môi trường; đồng thời giảm tổn thất lương thực sau thu hoạch, góp
phần tăng cường an ninh lương thực toàn cầu.
Các chuyên gia Liên hợp quốc và các nhà
khoa học quốc tế cũng nhấn mạnh trách nhiệm của khoa học trong bối cảnh
1,4 tỷ người trên thế giới đang sống dưới mức nghèo khổ và 2 tỷ người
đang sống ở các khu vực khô hạn. Trong 4,9 tỷ hécta đất nông nghiệp trên
thế giới, có tới 3,7 tỷ hécta đang được sử dụng để chăn thả và trồng
các loại cây làm thức ăn cho gia súc.