Hiện nay, các cường quốc công nghiệp lâu đời ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ vẫn tiêu thụ phần lớn năng lượng của thế giới. Theo thống kê năm 1990, các nước OECD giàu có (dân số chiếm khoảng 20% dân số thế giới), tiêu thụ 57% năng lượng của thế giới. Hiện tỷ trọng này thay đổi, trong đó các nước đang phát triển tiêu thụ ngày càng nhiều năng lượng. Đến năm 2030, dự đoán các nước đang phát triển sẽ tiêu thụ 47% năng lượng của thế giới nếu tiếp tục đà tăng như hiện nay. Cũng vì lẽ đó, khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng 46% kể từ năm 1990. Một trong những phương thức tiết kiệm chính là sử dụng năng lượng xanh - năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, những thiết bị hiện đại dùng bằng năng lượng mặt trời giá thành còn cao so với những người có thu nhập thấp. Theo ý kiến của tôi, phương thức dùng “chai mặt trời” sẽ phù hợp với kinh tế và tình hình của các nước nghèo trên thế giới. Theo đó, chỉ cần một chiếc chai nhựa đựng một lít nước và thuốc tẩy là ta có thể thắp sáng tương đương với bóng đèn sợi đốt 60W. Theo tính toán, những chiếc đèn chai rẻ tiền này có thể chiếu sáng tới 10 tháng một năm. Đây là một ý tưởng ban đầu được phát triển bởi các sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Theo nguyên lý khúc xạ, ánh sáng sẽ đổi hướng khi đi qua mặt phân cách giữa hai môi trường trong suốt có chiết suất khác nhau (cụ thể ở đây là nước). Sáng kiến này đã được đất nước Philippines nhân rộng bằng dự án “Một lít ánh sáng”, lắp đặt hơn 10.000 chiếc đèn chai, mang lại nguồn năng lượng bền vững cho cộng đồng nghèo ở Manila và các tỉnh lân cận. Cách làm như sau: bạn đục một lỗ trên trần nhà, rồi đặt cố định chai nước vào khít vị trí đó theo tư thế một nửa nằm ở khoảng không trong nhà, một nửa nằm ở trên mái nhà. Nếu trên trần chỉ có một lỗ, ánh sáng sẽ chỉ chiếu thẳng theo góc độ chiếu sáng của mặt trời. Tuy nhiên, khi đi qua nước, ánh sáng sẽ bị khúc xạ tỏa rộng nhiều phía, thắp sáng khoảng không phía dưới nhà. Điều này giúp giải quyết vấn đề thiếu ánh sáng trong nhà ban ngày. “Chai mặt trời” rất hữu dụng, đặc biệt với các khu nhà ổ chuột trong những cộng đồng dân cư đông đúc, vùng quê nghèo khó, các khu chợ mới xây, nhà nhỏ lợp tôn… Nếu không được thiết kế khoa học để tận dụng được ánh sáng mặt trời, những căn nhà như thế này sẽ thường tối om ngày cả vào ban ngày. Còn nếu bật điện cả ngày thì theo một nghiên cứu cho biết, chi phí hộ gia đình sẽ bị đội lên thêm 40%. Nhờ những chiếc đèn chai như thế này, người dân nghèo sẽ vừa có ánh sáng an toàn và tiết kiệm được tiền điện. “Chai mặt trời” có thể áp dụng rộng rãi tại Việt Nam vì tính chất nước nhiệt đới được hưởng nhiều ánh sáng mặt trời; nhiều vùng quê còn nghèo, khu dân cư đông đúc xập xệ thiếu ánh sáng vào ban ngày; chi phí triển khai hợp túi tiền; tiến hành đơn giản. Ở Việt Nam còn rất nhiều nơi nghèo khó. Tôi đã đi tình nguyện nhiều nơi vùng sâu vùng xa và ấn tượng nhất với mảnh đất Mã Đà, Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Tuy nằm gần hồ thủy điện Trị An, nhưng người dân quanh năm sống thiếu điện, thiếu nước sạch (vì đa số người ở đây đều vượt biên từ Campuchia). Ban đêm, nơi đây chỉ có những nhà có điều kiện chạy máy nổ hay dùng máy phát điện, còn lại tất cả đều chìm trong bóng tối. Tôi thiết nghĩ ngoài những hoạt động tình nguyện, từ thiện thường xuyên như lớp học tình thương, phát quà Tết, xuân tình nguyện… thì một dự án mang tên “Chai mặt trời thắp sáng tương lai” nên được triển khai tại đây. Bên cạnh việc kêu gọi tình nguyện viên lắp “chai mặt trời” tại các lớp học, các ngôi nhà ẩm thấp, các lớp học tình thương nên dạy thêm một khóa lắp đặt "chai mặt trời” và tuyên truyền, hướng dẫn cho trẻ em, người dân tại địa phương. |