Viện Max Planck (Đức) đã tìm ra cách mới chiết xuất acid artemisinin để tăng hiệu quả sản xuất thuốc chống sốt rét lên gấp 4 lần bình thường từ cây ngải tây ngọt (hay còn gọi là cây thanh cao hoa vàng). GS Peter Seeberger, Đại học Free ở Berlin bên cạnh một mô hình phân tử tại phòng thí nghiệm của ông ở Berlin, Đức.
Thuốc sốt rét Artemisinin đang thông dụng hiện nay được chiết xuất từ ngải tây ngọt, một cây sinh sống chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng trước đây, các phương pháp chiết xuất thông thường từ các thành phần của cây này để lấy acid artemisinin sản xuất thuốc thường lãng phí khoảng 10 lần lượng acid artemisinin trong các bã cây. Để tiết kiệm nguyên liệu, các nhà khoa học cũng từng dùng cách sử dụng ánh sáng cực tím để kích hoạt chuyển đổi acid artemisinin. Song cách này quá tốn kém và không hiệu quả. Đến nay, các nhà hóa học Đức đã tạo ra một máy bơm tất cả các thành phần cần thiết từ cây Thanh cao hoa vàng, thông qua một ống nhỏ, được bao bọc bởi một bóng đèn tia cực tím trong một quá trình liên tục khoảng 4,5 phút sẽ sản xuất được thuốc artemisinin. Kỹ thuật này có thể chuyển đổi khoảng 40% acid artemisinin trong bã cây, cho phép khả năng sản xuất thuốc cao hơn gấp 4 lần so với trước đây. Các nhà khoa học dự định sẽ đưa máy này vào hoạt động chính thức trong vòng 6 tháng đến 1 năm nữa. Mỗi chiếc có trị giá 132.000 USD. Sử dụng loại máy này sẽ giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất thuốc chống sốt rét. Được biết, mỗi năm ở Châu Phí có khoảng 655.000 người chết vì sốt rét, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Nhưng chi phí để chữa bệnh lại quá cao so với những người nghèo, phải mất 10 USD cho mỗi liều thuốc artemisinin. |