Debie Royston, 40 tuổi, sinh ra ở Birmingham, Anh và chưa từng đến Pháp. Tuy nhiên, cô hiện nói bằng thứ giọng mũi xa lạ sau khi ốm dậy. Theo Debie, cô đã không thể nói suốt một tháng sau khi hứng chịu hàng loạt cơn co giật và khi nói được trở lại thì giọng cô đã thay đổi. Debie rất mong khôi phục được giọng vùng Birmingham như ban đầu của mình. (Ảnh: Daily Mail)
Tờ Daily Mirror dẫn lời cô Debie kể: “Tôi đã bị một cơn cô giật rất nghiêm trọng và khi nó ngừng, miệng tôi không hoạt động nữa. Qua tháng sau, tôi phải học nói trở lại. Khi lấy lại được giọng, tôi nghe thấy một âm thanh khác lạ, không phải giọng vùng Birmingham của tôi. Giọng tôi nghe như của người Pháp dù tôi chưa từng tới đó. Mọi người thường hỏi tôi quê ở đâu và khi tôi trả lời là Birmingham, họ lắc đầu và quả quyết tôi là người Pháp”. Debie là một trong 60 người duy nhất trên thế giới mắc hội chứng giọng nước ngoài. Cô đã phải bỏ công việc làm trợ giảng tại trường học do bị co giật. Chồng cô cũng phải làm việc ở nhà trong suốt 6 tháng để chăm sóc vợ. “Đôi khi sẽ dễ dàng hơn khi nói tôi đến từ Pháp, nhưng khi đó, mọi người sẽ bắt đầu nói tiếng Pháp với tôi. Một số nói giọng tôi hiện nay nghe rất hấp dẫn và sẽ thật đáng tiếc nếu tôi khôi phục giọng vùng Birmingham như ban đầu. Điều đó khiến tôi thấy buồn vì tôi thích giọng cũ của mình”, Debie bộc bạch. Giáo sư Nick Miller, một chuyên gia về rối loạn lời nói thuộc trường Đại học Newcastle, người đã chẩn đoán bệnh cho Debie cách đây một năm, cho hay nguyên nhân tình trạng của cô vẫn chưa rõ. Ông Miller nhấn mạnh, ngoài các cơn có giật, có thể còn tồn tại yếu tố khác khiến Debie nói giọng nước ngoài. Đối với hầu hết những người mắc cùng hội chứng, nói giọng nước ngoài chỉ là một giai đoạn tạm thời, kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Số người phải nói giọng nước ngoài vĩnh viễn tương đối hiếm. |