Kết quả từ những nghiên cứu mới
nhất cho thấy manh mối về loại nấm đáng ngờ có nguồn gốc từ Châu Âu rồi
nhanh chóng lan đến Bắc Mỹ.
Hội chứng mũi trắng được ghi nhận trên loài dơi lần đầu tiên vào
tháng 3/2006 khi người ta tiến hành cuộc khảo sát hàng năm và phát hiện
ra hàng ngàn con dơi đã chết trong hang động ở New York.
Trong khi các nhà khoa học đang cố gắng tìm kiếm câu trả lời thì ngành
nông nghiệp của Mỹ và Canada đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cái chết
của hàng triệu con dơi mỗi năm, khiến chi phí cho thuốc diệt trừ sâu bọ,
vốn là thức ăn chính của loài dơi, tăng lên không ngừng.
Mãi đến gần đây, thông tin về “kẻ giết người” bí ẩn này mới phần nào
được hé lộ. Theo đó, các chuyên gia đã thu hẹp sự chú ý vào một loại nấm
gọi là Geomyces destructans (Gd), phát triển mạnh ở điều kiện nhiệt độ
lạnh, gây ra các tổn thương trên cánh dơi và có thể lây lan nhanh chóng
từ con này sang con khác.
Tiến hành điều tra, nhà sinh vật học Craig Willis và các đồng nghiệp
thuộc Đại học Winnipeg (Canada) đã thu thập 54 cá thể dơi nhỏ màu nâu có
tên Myotis lucifugus đang trong giai đoạn ngủ đông từ một hang động ở
Manitoba và đưa chúng đến phòng thí nghiệm Đại học Saskatchewan. Tất cả
đều hoàn toàn khỏe mạnh.
Tại đây, họ chia số dơi làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất được cấy loại nấm
Gd Bắc Mỹ lên cánh, nhóm thứ 2 được cấy nấm Gd Châu Âu trong khi nhóm
thứ 3 thì không.
Sau đó, họ đặt chúng vào chiếc lồng được thiết kế đặc biệt có độ ẩm
cao, thích hợp với chế độ ngủ đông của dơi trong tự nhiên, đưa chúng trở
lại trạng thái uể oải ban đầu.
Không lâu sau đó, nhóm dơi 1 và 2 nhanh chóng bị nhiễm bệnh với những
tổn thương trên đôi cánh. Đến ngày thứ 70, một số con nhiễm loại nấm
châu Âu bắt đầu chết và đến ngày thứ 90 thì đến lượt những con nhiễm nấm
Gd Bắc Mỹ.
Thông thường, cơ thể loài dơi sẽ ấm lên trong khoảng một giờ trước
khi lạnh dần và rơi vào trạng thái ngủ đông, có lẽ đây là cách mà giúp
chúng loại bỏ các chất thải. Nhưng ở những con nhiễm bệnh, sự ấm lên của
cơ thể diễn ra thường xuyên hơn, khiến lượng chất béo dự trữ dần cạn
kiệt.
Bên cạnh việc giải thích quá trình phát triển của Hội chứng mũi
trắng, nghiên cứu cũng chỉ ra nguồn gốc căn bệnh nguy hiểm này xuất phát
từ Châu Âu.