Lan hài Việt Nam Paphiopedilum vietnamense. Loài này được phát hiện ở
vùng biên giới phía tây bắc Việt Nam, giáp với Trung Quốc cùng với
Paphiopedilumem ersonii, nhưng mãi đến năm 1998 loài lan đặc hữu Việt
Nam này mới được O. Gruss và H. Perner đặt tên và công bố. Hoa có cánh
hoa rất to 8 - 10cm, màu hường, môi tía đậm ở mặt trước, nhạt dần về
sau, mép cuộn vào, mặt trong có nhiều đốm tía đậm và một dải lông trắng
dày đặc ở phần giữa, ngay dưới chân trụ.
Lan hài vàng Paphiopedilum villosum. Nó được xem như là loài phổ biến
nhất và dễ trồng nhất ở Việt Nam với cánh đài lưng màu lục có vân dọc,
mép trắng hơi lật ra sau. Cánh tràng hơi chúc xuống và cong ra phía
trước, mép nhăn nheo, giữa có vạch lớn màu nâu đỏ. Cánh môi dạng túi màu
vàng lục hơi nâu mép màu vàng nâu và thùy bên cuộn vào trong.
Lan hài đài cuộn Paphiopedilum appletonianum. Mọc rất rải rác dưới tán
rừng mưa nhiệt đới thường xanh, ở độ cao khoảng 1500m. Cây chịu hạn khá
tốt. Loài này có sự phân bố rất hạn chế và số lượng cá thể rất ít ở Lâm
Đồng, Đà Lạt. Chúng có thể bị đe dọa bị tuyệt chủng do môi trường sống
là rừng bị thu hẹp lại. Hoa lan hài đài cuộn cỡ lớn với màu nâu pha xanh
nhạt. Cánh đài lưng bầu dục uốn cong ra phía sau, cuộn lại, màu xanh
đậm, với các đốm hồng đỏ ở gốc, mép màu lục nhạt, màu trắng ở đỉnh. Cánh
môi có màu tía ửng vàng và lục, mép màu vàng.
Lan hài kim Paphiopedilum armeniacum. Loài lan hài có màu sắc vàng rực
này có lá đài sau hình trứng cho đến bầu dục, dài 2,2 - 2,8cm rộng 1,4 -
2,2cm, hơi nhọn, mép uốn vào ở phần trên. Lá đài bên dính nhau, nhỏ hơn
lá đài sau với 2 sóng ở lưng và chỉ 1 răng tròn ở đỉnh, mặt trong nhẵn.
Loài này được cho là hoàn toàn tuyệt chủng ở Việt Nam vì ở vùng núi đá
vôi biên giới Việt Nam đã bị người dân đã khai thác quá mức để bán. Có
một số nhà khoa học cho rằng loài này không phân bố ở Việt Nam nhưng
trên thực tế có rất nhiều tài liệu đã chứng minh đây là loài lan của
Việt Nam.
Lan hài vân Paphiopedilum callosum. Được công nhận là loài có vùng phân
bố rất rộng Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, Thừa Thiên
Huế và ngay cả vùng có độ cao thấp là Phú Quốc. Lan thường nở hoa vào
mùa xuân và đầu hạ với cụm hoa cao, có lông, màu nâu đỏ. Cánh đài lưng
gần tròn hơi gấp lại, mép răn reo, màu trắng pha hồng gốc màu xanh có
gân đỏ ở đỉnh và cánh môi màu nâu đỏ, gốc màu xanh nhạt, hai bên thùy
cuộn lại vào trong, có nhiều đốm đỏ đậm đã làm ngây ngất những người yêu
lan ở Việt Nam.
Lan hài râu Paphiopedilum dianthum. Thật khó có thể nhầm lẫn được loài
lan hài râu với các loài lan khác ở Việt Nam bởi cánh đài bên dính thành
lòng thuyền. Hai cánh tràng, dài, xoắn lại, rũ xuống, màu nâu lục, dài
10 - 12cm. Cánh môi dạng túi dài 5cm, màu lục nâu vàng, mép cuộn vào
trong. Vùng phân bố của Paphiopedilum dianthum ở Cao Bằng, Hà Giang, Lai
Châu, Lào Cai, Sơn La và còn mọc ở Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan.
Lan hài đốm Paphiopedilum gratrixianum. Các đỉnh núi cao ngất thuộc dãy
Tam Đảo, Vĩnh Phúc là xứ sở của loài lan hài đốm. Với cánh đài lưng hình
trái xoan, hẹp ở gốc, mép răn reo, màu lục ở gốc, mép trắng, có đốm đỏ
lớn ở giữa, cánh tràng trải rộng nhìn như chiếc đuôi công rực rỡ sắc
màu, mép răn reo màu lục nâu nhạt. Cánh môi dạng túi, màu lục nâu đậm, 2
thùy bên đứng. Vẻ đẹp lộng lẫy của loài hoa này được các nhà sưu tập
lan ở Việt Nam gọi với cái tên trìu mến Hài đuôi công.
Lan hài helen Paphiopedilum helenae. Đây có thể là loài lan Hài có kích
thước hoa nhỏ nhất được tìm thấy ở Việt Nam và câu chuyện tình yêu của
nhà thực vật học Averyanov đã nói lên tất cả về loài hoa lan đặc hữu
này: “Một buổi chiều, sau khi tôi và các bạn đồng nghiệp đã mất cả
ngày trèo lên nhiều ngọn núi dốc, mọi người đang tính trở về. Nhưng khi
thấy ngọn đồi trước mặt rất hấp dẫn, cây cối thật là lý tưởng cho tôi có
cảm giác có lan mọc ở đó. Mọi người đã quá mệt mỏi không muốn đi nữa
nên tôi đã leo lên một mình. Khi leo gần tới đỉnh đồi, tôi thấy ở gần
mép đá có một đám hoa vàng rực rỡ. Thực là đặc biệt vì bông hoa quá lớn
so với cây lan. Tội vội chụp vài tấm ảnh, đào một vài nhánh rồi vội vã
xuống đồi. Vì vợ tôi Helene Averynova cũng có bộ tóc vàng và dáng người
nhỏ nhắn như cây lan, cho nên tôi lấy tên nàng để đặt tên cho cây lan
này”.
Lan hài henry Paphiopedilum henryanum. Sau rất nhiều những nghi ngờ về
vùng phân bố của loài lan hài này ở Việt Nam vì những tấm ảnh hấu hết là
chụp ở các vườn hoa lan trổng trên thế giới và gần như chưa một nhà
khoa học nào nhìn thấy chúng nở hoa trong thiên nhiên Việt Nam. Vào mùa
xuân năm 2001 Leonid Averyanov và D. Harder đã tìm thấy cây lan này tại
khu bảo tồn Phong Quang tỉnh Hà Giang. Với chiếc cánh đài màu xanh lá và
những đốm màu tím đậm ở mặt trong, lan hài henry là một trong những tác
phẩm đẹp nhất của thiên nhiên ban tặng cho con người chúng ta.
Lan hài mã lị Paphiopedilum malipoense. Loài lan hài độc đáo này thường
nở hoa vào tháng 3 đến tháng 4 hàng năm và loài này được Chen và Tsi mô
tả đầu tiên vào năm 1984 dựa trên mẫu vật khô của bảo tàng. Chen và Tsi
cho rằng chúng được sưu tập ở Nam Vân Nam - Trung Quốc. Mẫu vật mà K. M.
Feng sưu tập ngày 11/11/1947 hiện lưu giữ ở Bắc Kinh là lấy ở núi
Malipo của Trung Quốc. Nhưng theo Averyanov thì các cây lan mà người
Trung Quốc bán ở Hong Kong từ những năm 1988 1989 là lấy từ Việt Nam chứ
không phải từ Trung Quốc. Averyanov đã khám phá chúng ở gần làng Can Ty
thuộc tỉnh Hà Giang, và ở phía đông nam vùng Mai Châu của tỉnh Hòa
Bình.